Đàm phán thương mại Anh - EU thêm thách thức khi London công bố dự luật gây tranh cãi

Theo TTXVN-Thứ năm, ngày 10/09/2020 11:14 GMT+7

Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Động thái mới của Chính phủ Anh được cho là sẽ đẩy các cuộc đàm phán thương mại Anh - EU, vốn đang bế tắc, tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng.

Ngày 9/9, Chính phủ Anh công bố một dự luật mới bao quát các dàn xếp thương mại trong nước thời kỳ hậu Brexit - chỉ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - và thẳng thắn thừa nhận dự luật này vi phạm Thỏa thuận rút lui ký kết với EU 9 tháng trước.

Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, Dự luật thị trường nội địa Vương quốc liên hiệp Anh sẽ bảo vệ việc làm và nền hòa bình cho vùng Bắc Ireland nhưng cũng thừa nhận dự luật này đặt ra những thay đổi đơn phương vi phạm Thỏa thuận rút lui đã đạt được với EU. Anh cũng thừa nhận dự luật mới sẽ vi phạm luật pháp quốc tế "theo cách rất đặc biệt và có giới hạn". Tuy nhiên, London khẳng định dự luật mới cần thiết để đảm bảo giao thương giữa các vùng England, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn, tăng cường khả năng hồi phục kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm nay.

Phát biểu tại Quốc hội Anh, ông Johnson khẳng định, dự luật mới bảo vệ việc làm, duy trì tăng trưởng và đảm bảo thị trường nội địa Anh hoạt động trôi chảy và an toàn. Người đứng đầu Chính phủ Anh gọi dự luật này là "lưới an toàn pháp lý" trong trường hợp EU "diễn giải thiên lệch" những thỏa thuận hậu Brexit.

Ông khẳng định, nhiệm vụ của ông là đảm bảo sự thống nhất thị trường trong nước nhưng cũng phải bảo vệ cả tiến trình hòa bình của Bắc Ireland và Hiệp ước thứ Sáu tốt lành giúp chấm dứt hơn 30 năm xung đột tại vùng lãnh thổ này.

Dự luật, nếu được thông qua, sẽ cho các quan chức Chính phủ Anh quyền hạn bỏ qua một số điều khoản trong thỏa thuận rút lui bằng cách thay đổi mẫu các tờ khai xuất khẩu hoặc những quy trình rút lui khác. Tuy nhiên, theo thỏa thuận rút lui ký với EU, Anh phải liên lạc với EU khi thực hiện bất kỳ dàn xếp nào với vùng Bắc Ireland, đường biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh và EU thời hậu Brexit. Dự luật này sẽ được đưa ra thảo luận tại lưỡng viện Quốc hội Anh và phải được thông qua mới trở thành luật.

Động thái mới của London được cho là sẽ đẩy các cuộc đàm phán thương mại Anh - EU, vốn đang bế tắc, tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng. Brussels từng nhiều lần cảnh báo việc vi phạm Thỏa thuận rút lui sẽ khiến hai bên không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận thương mại nào. Chia sẻ trên Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU, Ursula von der Leyen bày tỏ "quan ngại sâu sắc trước những tuyên bố từ Chính phủ Anh về việc vi phạm thỏa thuận rút lui một cách có chủ ý". Trong khi đó, Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết sẽ bày tỏ "quan ngại sâu sắc" tới người đồng cấp Anh về các kế hoạch này. Phó chủ tịch EU Maros Sefcovic cho biết khối này đã yêu cầu họp khẩn với London để thảo luận về diễn biến mới này. Chủ tịch Nghị viện EU David Sassoli cảnh báo "bất kỳ nỗ lực nào của Anh tổn hại tới thỏa thuận (rút lui) sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng".

Chính phủ Đức, thành viên có ảnh hưởng nhất tại EU, hy vọng Anh sẽ "tuân thủ đầy đủ" thỏa thuận Brexit. Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trả lời phỏng vấn của các phóng viên tại thủ đô Berlin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr khẳng định Berlin vẫn tiếp tục tin tưởng Chính phủ Anh thực sẽ thi đầy đủ thỏa thuận Brexit mà London và EU đạt được hồi năm ngoái đồng thời cho biết Berlin bày tỏ lo ngại trước dự luật mới được Chính phủ Anh công bố. Bà kêu gọi London nghiêm túc tôn trọng các điều khoản Brexit mà Anh đã nhất trí trước khi chính thức rời khỏi EU.

Anh chính thức rời EU hồi cuối tháng 1 vừa qua nhưng vẫn là một thành viên thị trường chung châu Âu, giúp các hoạt động trao đổi thương mại diễn ra theo mô hình cũ mà không bị gián đoạn trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới cuối năm 2020. Trong thời gian này, 2 bên tiến hành đàm phán thỏa thuận thương mại song phương. Các quan chức 2 bên chỉ vừa mới tiến hành vòng đàm phán thương mại thứ 8 về các vấn đề gai góc. Hai bên mong muốn có một thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 nhưng Anh cũng từng tuyên bố sẵn sàng "ra đi" mà không có thỏa thuận nếu không đàm phán được những điều khoản có lợi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước