Đảng cực hữu thắng cử bầu cử Quốc hội: Kịch bản phản ánh cục diện chính trị đầy biến động tại Pháp

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 02/07/2024 08:02 GMT+7

VTV.vn - Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) đã giành ưu thế lớn để chuẩn bị cho vòng 2 của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sẽ diễn ra sau một tuần.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ vòng 1 của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp cho thấy.

Thắng lợi trên của đảng Tập hợp Quốc gia (RN) được cho là có thể mở ra cánh cửa quyền lực cho phe cực hữu tại Pháp lần đầu tiên kể từ Thế chiến II.

ĐẢNG CỰC HỮU GIÀNH ƯU THẾ TẠI VÒNG 1 BẦU CỬ PHÁP

Theo kết quả sơ bộ từ Bộ Nội vụ Pháp, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) giành được khoảng 33,15% phiếu bầu, tiếp theo là liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới với 28%. Còn liên minh Cùng nhau vì nền Cộng hòa của Tổng thống Emmanuel Macron nhận được 21%, đứng thứ 3.

Dựa theo những kết quả ban đầu này, đảng Tập hợp quốc gia cực hữu dự kiến sẽ chiếm từ 250 ghế trở lên trong tổng số 577 ghế tại Quốc hội Pháp, tương đương đa số ghế tại cơ quan lập pháp. Nếu đảng Tập hợp quốc gia giành thế áp đảo tại Quốc hội Pháp, Tổng thống Macron sẽ buộc phải điều hành đất nước cùng với Chủ tịch đảng RN - ông Jordan Bardella, chính trị gia thiên về chủ nghĩa dân tộc, hoài nghi Liên minh châu Âu (EU) và có lập trường chống nhập cư.

Ông Jordan Bardella - Chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia (RN) - tuyên bố: "Tôi dự định trở thành Thủ tướng chăm lo đời sống hàng ngày - người sẽ coi việc bảo vệ sức mua, khôi phục luật pháp, trật tự và an ninh trên khắp đất nước. Và tất nhiên việc nối lại chính sách di cư là ưu tiên hàng đầu của tôi. Tôi dự định trở thành Thủ tướng của một chính phủ "chung sống", tôn trọng hiến pháp và Văn phòng Tổng thống, nhưng không khoan nhượng về các chính sách mà chúng tôi sẽ thực hiện để phục vụ nước Pháp và người dân Pháp".

Trước khả năng thắng cử của đảng cực hữu, lãnh đạo các đảng trong liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới kêu gọi mở rộng liên minh.

Bà Marine Tondelier - lãnh đạo Đảng Xanh - nói: "Hãy để họ tới và giúp chúng ta xây dựng một mặt trận cộng hòa mới dựa trên tuyên ngôn của chúng ta - một mặt trận chống lại những hoài nghi về khí hậu, chống lại thù hận, chống lại sự không khoan dung, chống lại bạo lực, phân biệt đối xử, kỳ thị sắc tộc; một mặt trận dành cho tất cả những người đàn ông và phụ nữ mong muốn chúng ta có thể sống tại nước Pháp, cũng như ở nơi khác, vai kề vai chứ không phải đối đầu với nhau".

Đảng cực hữu thắng cử bầu cử Quốc hội: Kịch bản phản ánh cục diện chính trị đầy biến động tại Pháp - Ảnh 1.

(Ảnh: AFP)

Trong hai năm vừa qua, đảng cầm quyền của Tổng thống Macron đã liên tục phải tìm liên kết mang tính tình thế để tiến hành các dự án phát triển hay cải cách vì không đạt đa số tuyệt đối tại Quốc hội.

Vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra vào ngày 7/7 sẽ mang tính quyết định và được dự báo sẽ rất cam go, có thể xảy ra kịch bản Quốc hội mới của Pháp vẫn sẽ không có được thế đa số rõ ràng.

PHẢN ỨNG SAU THẮNG LỢI VÒNG 1 CỦA ĐẢNG CỰC HỮU

Các nhà bình luận chính trị tại châu Âu cho biết chiến thắng của đảng Tập hợp quốc gia là sự kiện mang tính lịch sử. Nguyên nhân là bởi phe cực hữu chưa bao giành chiến thắng trong vòng bầu cử Quốc hội đầu tiên.

Tuy nhiên, khả năng đảng cực hữu có thể giành được đa số tuyệt đối trong quốc hội hay không còn phụ thuộc vào những ngày xây dựng liên minh trước cuộc bỏ phiếu vòng hai vào ngày 7/7 tới.

Sau chiến thắng của phe cực hữu, đại diện các đảng cánh tả và khối trung dung của ông Macron đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu ngăn chặn phe cực hữu, đồng thời tính đến việc rút các ứng cử viên của mình ở các quận - nơi một ứng cử viên khác có vị thế tốt hơn - để đánh bại phe cực hữu.

KỊCH BẢN ĐẢNG CỰC HỮU THẮNG CỬ

Nếu phe cực hữu chiến thắng trong vòng bầu cử thứ 2, nước Pháp có thể ở trong tình trạng Tổng thống và Chính phủ đến từ hai lực lượng chính trị đối lập. Ông Macron vẫn có quyền lực trong vấn đề đối ngoại và an ninh, nhưng ảnh hưởng đến đối nội sẽ suy giảm đáng kể. Chính phủ do phe đối lập nắm giữ sẽ buộc ông Macron phải chấp nhận không ít nhượng bộ.

Thực tế này dẫn tới sự mâu thuẫn với những ưu tiên chính sách của ông Macron. Đầu tiên là việc mở rộng Liên minh châu Âu - điều mà ông Macron ủng hộ nhưng đảng Tập hợp Quốc gia kiên quyết phản đối. Phe cực hữu cũng bác bỏ chủ trương thiết lập cơ cấu hệ thống phòng thủ châu Âu, trong đó Pháp là nhà cung cấp an ninh cho châu Âu. Trong vấn đề hỗ trợ Ukraine, đảng Tập hợp quốc gia không đồng ý cung cấp tên lửa tầm xa và gửi quân tới Ukraine.

Kết quả bầu cử nghị sĩ Quốc hội Pháp vòng 1 đã phản ánh một cục diện chính trị đầy biến động. Với những kết quả chênh lệch không quá lớn giữa các liên minh chính trị lớn, vòng 2 vào cuối tuần này hứa hẹn sẽ rất gay cấn. Kết quả cuối cùng không chỉ quyết định tương lai chính trị của Pháp mà còn có thể ảnh hưởng đến cán cân quyền lực trong Liên minh châu Âu (EU) bởi Pháp là một thành viên nòng cốt của khối.

Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu dẫn đầu vòng 1 bầu cử nghị sĩ Quốc hội Pháp Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu dẫn đầu vòng 1 bầu cử nghị sĩ Quốc hội Pháp Hàng triệu cử tri Pháp bước vào vòng 1 bầu cử Quốc hội Hàng triệu cử tri Pháp bước vào vòng 1 bầu cử Quốc hội Đảng cực hữu Pháp giành ưu thế trước thềm bầu cử Đảng cực hữu Pháp giành ưu thế trước thềm bầu cử

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước