Tổng Chưởng lý bang New York đã thay mặt Tổng Chưởng lý các bang thông báo về cuộc điều tra nhằm vào một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới Facebook. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ đưa ra một hành động chống độc quyền chính thức nhằm vào Facebook. Cuộc điều tra này được chính trị gia lưỡng đảng Mỹ ủng hộ vì coi đây là hành động dũng cảm đấu tranh chống lại hãng công nghệ quyền lực, qua đó buộc họ phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm quyền riêng tư hoặc gây tổn hại cho người dùng.
Quyết định mở cuộc điều tra nói trên được đưa ra sau một loạt sự cố để lộ thông tin cá nhân người dùng liên tiếp đeo bám Facebook trong vài năm qua. Kể từ vụ bê bối Cambridge Analytica sử dụng gần 90 triệu hồ sơ của người dùng Facebook để định danh các cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, hiện Facebook lại tiếp tục đối mặt với vụ rò rỉ dữ liệu bảo mật của 419 triệu người dùng Facebook, gồm số điện thoại, tên tuổi, giới tính. Quốc gia có số tài khoản bị ảnh hưởng nhiều nhất là Mỹ với 133 triệu tài khoản, thứ hai là Việt Nam (50 triệu tài khoản của người dùng Facebook tại Việt Nam bị truy cập dữ liệu cá nhân).
Dường như án phạt 5 tỷ USD lớn nhất từ trước đến nay vì vụ bê bối Cambridge Analytica cũng không giúp người dùng Facebook được bảo vệ an toàn hơn khi họ vẫn đối mặt với nguy cơ bị tấn công bởi các cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo, thậm chí bị đánh cắp tài khoản. Chính ông chủ Facebook Mark Zuckerberg cũng từng thừa nhận, 2 tỷ người dùng Facebook có thể đã bị xâm phạm bảo mật.
Câu hỏi được đặt ra là liệu có phải lúc này người Mỹ đang có xu hướng quay lưng với Facebook không? Nhìn vào số liệu doanh thu và người dùng, hiện chưa thể kết luận như vậy. Theo báo cáo kinh doanh quý II/2019 của Facebook, lượng người dùng thực ở Mỹ và Canada là khoảng 187 triệu, thậm chí còn cao hơn 2 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2018.
Trên thực tế, con số này ít hơn rất nhiều so với khoảng gần 70 triệu tài khoản tăng thêm trong cùng kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người dùng Mỹ đang quay lưng lại với Facebook. Đơn giản là vì Bắc Mỹ không còn tăng trưởng cao về lượng người dùng dù đây vẫn là thị trường mang lại doanh thu lớn nhất cho Facebook, chiếm gần một nửa doanh thu trên toàn cầu.
Mặt khác, những vụ kiện cáo và điều tra gần đây từ phía Quốc hội và cơ quan chức năng Mỹ là có cơ sở thực tế, phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng trong chính giới và dư luận nước này về khả năng Facebook độc quyền và lạm dụng quyền riêng tư của người dùng. Hiện Facebook đang phải trả những cái giá không nhỏ cho những bê bối của mình. Đó không chỉ là những án phạt bằng tiền mà cả niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, có vẻ vẫn còn quá sớm để nói rằng mạng xã hội lớn nhất hành tinh này bắt đầu bị tẩy chay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!