Dấu ấn của Việt Nam trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 02/05/2021 13:10 GMT+7

VTV.vn - Vai trò và dấu ấn của Việt Nam một lần nữa được khẳng định sau thành công của tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4.

Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4 vừa qua. Đây là trọng trách đa phương đầu tiên mà Việt Nam đảm nhiệm, sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, đề ra tầm nhìn, định hướng và chủ trương lớn cho sự phát triển của đất nước, bao gồm đối ngoại trong giai đoạn tới.

Năm 2021 cũng tiếp nối những thành công của Việt Nam sau năm đầu tiên của nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Giữa bối cảnh tình hình thế giới nhiều diễn biến phức tạp, các điểm nóng xung đột, bất ổn tiếp diễn tại nhiều nơi, và đặc biệt, đại dịch COVID-19, Việt Nam đã triển khai hiệu quả công tác Hội đồng Bảo an, hoàn thành tốt một khối lượng công việc lớn và ghi rõ dấu ấn Việt Nam tại cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột

Sự kiện trọng tâm của tháng Chủ tịch là phiên thảo luận mở cấp cao diễn ra vào ngày 19/4 với chủ đề "Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột" do chính Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giữ cương vị chủ trì.

Dấu ấn của Việt Nam trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Ảnh: TTXVN)

Cách đặt vấn đề một lần nữa đề cao tầm quan trọng của lòng tin và đối thoại, tầm quan trọng của các cơ chế đa phương trong giải quyết xung đột, tìm kiếm hoà bình. Thực tế đã chứng minh, để có được hoà bình bền vững, ngăn ngừa và giải quyết xung đột từ sớm, từ xa, duy trì kết quả đạt được một cách bền vững về lâu dài, cơ sở nền tảng nhất, không gì hơn ngoài xây dựng lòng tin và đối thoại.

Chủ trì phiên thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dẫu hòa bình, hợp tác, phát triển tiếp tục là xu thế và khát vọng cháy bỏng của mọi quốc gia nhưng 5 năm trở lại đây, xung đột vẫn cướp đi gần nửa triệu sinh mạng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các thách thức to lớn do đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, tranh chấp biên giới, cạnh tranh địa chiến lược đòi hỏi phải thúc đẩy đối thoại xây dựng lòng tin hơn bao giờ hết.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã chỉ ra rằng để có thể thúc đẩy đối thoại, lòng tin hiệu quả thì điều điều quan trọng nhất là cần đưa ra các giải pháp đa phương cho những vấn đề mà thế giới cùng đối mặt. Cho dù đó là vấn đề về xung đột, về dịch bệnh, biến đổi khí hậu hay đói nghèo.

Rất nhiều giải pháp đã được nhắc tới tại phiên thảo luận, trong đó đặc biệt nhân mạnh tới việc cần phát huy vai trò của Liên hợp quốc - tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cũng như duy trì việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, từ đó làm nền tảng chung để tăng cường năng lực ngăn ngừa, giải quyết xung đột.

Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột

Báo cáo thường niên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang năm 2019 và 2020 cho thấy, hơn 50 triệu dân thường đã bị ảnh hưởng bởi những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tình trạng pháp hủy trạm điện, trạm bơm nước hay các cơ sở lương thực là vấn đề nhức nhối trong các cuộc xung đột như tại Cộng hòa Trung phi, Nam Sudan, Yemen hay Afghanistan.

Tác động của việc phá hủy cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trên nhiều mặt. Thứ nhất, cản trở khả năng tiếp cận, sử dụng nhu yếu phẩm và các dịch vụ. Thứ hai, để lại nhiều tác động nhân đạo lâu dài và khó khắc phục. Thứ ba, làm trầm trọng tình trạng người dân bị buộc phải rời bỏ nơi cư trú. Thứ tư, để lại những hệ quả lâu dài đối với môi trường tự nhiên.

Về các quy định của luật pháp quốc tế, hiện chỉ có Luật nhân đạo quốc tế quy định cụ thể về việc cấm tấn công, dỡ bỏ hoặc làm hư hại cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân. Tuy nhiên, việc thực thi, triển khai các quy định trên theo Luật nhân đạo trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Cần thiết phải có một khung pháp lý quốc tế hoàn chỉnh về vấn đề này.

Việc Việt Nam đề xuất sáng kiến bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang, có nhiều ý nghĩa quan trọng, thể hiện chính sách đối ngoại nhân văn, nhân đạo. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam, đất nước chịu nhiều đau thương trong chiến tranh chia sẻ kinh nghiệm trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và nỗ lực trong tái thiết hậu xung đột.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước