Chuyên gia hướng dẫn cách mang bộ bảo hộ khi tiếp xúc bệnh nhân Ebola.(Ảnh: Reuters)
Thông tin trên vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, dịch Ebola đang diễn biến ngày càng phức tạp, với 70% số người nhiễm bệnh chắc chắn tử vong.
Theo báo cáo mới được công bố của Ngân hàng Thế giới, tác động của dịch Ebola về mặt kinh tế vốn đã rất nghiêm trọng, ít nhất đối với ba nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất: Guinea, Liberia và Sierra Leone. Tuy nhiên, sẽ còn khủng khiếp hơn nữa nếu không nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh này.
Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng thế giới cho biết: “Nếu không nhanh chóng được kiềm chế và dịch Ebola lan sang các quốc gia khác, những thiệt hại kinh tế trong 2 năm đối với khu vực này có thể lên tới 32,6 tỷ USD vào cuối năm 2015. Đó có thể là thảm họa với nhiều người ở khu vực Tây Phi”.
Ông Jim Yong Kim cũng cho biết, thế giới sẽ tránh được những tổn thất nặng nề về kinh tế bằng việc đầu tư thận trọng vào hệ thống y tế. Ngân hàng Thế giới cũng đã thông qua khoản vay và viện trợ trị giá 400 triệu USD cho các quốc gia đang có dịch Ebola.
Trước những ảnh hưởng nặng nề cũng như tốc độ lây lan nhanh chóng của Ebola, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng kêu gọi các quốc gia tăng nguồn lực lên gấp 20 lần để ngăn chặn sự lây lan của Ebola, trong đó bao gồm các phòng thí nghiệm, thiết bị y tế, nhân viên y tế được đào tạo.
Trong lúc này, các nước phương Tây như Mỹ và Anh đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ đối phó với dịch Ebola. Mỹ đã triển khai thêm 100 binh sĩ tới Liberia để hỗ trợ quốc gia Tây Phi trong cuộc chiến với virus chết người này. Trong khi đó, Anh cũng sẽ chuyển hàng nghìn trang phục bảo hộ tới Sierra Leone để trang bị cho các bác sĩ, y tá và binh sĩ tại đây nhằm ngăn chặn dịch Ebola lây lan.