Phiên điều trần của các CEO công nghệ được thực hiện theo hình thức trực tuyến (Nguồn: Reuters)
Thái độ đối lập giữa các nghị sĩ hai đảng
Diễn ra khi chỉ còn chưa tới 1 tuần là Ngày bầu cử 3/11, phiên điều trần đã thể hiện rõ sự chia rẽ quan điểm chính trị giữa 2 đảng tại Quốc hội Mỹ, theo CNN. Phía Cộng hòa liên tục công kích các ông lớn công nghệ đang thiên vị Đảng Dân chủ, trong khi phe Dân chủ thì tin rằng phiên điều trần là 1 nỗ lực lôi kéo cử tri trước thềm bầu cử của Đảng Cộng hòa.
Tham gia qua màn hình họp trực tuyến, Thượng nghị sĩ (TNS) Ted Cruz từ bang Texas là người mở màn những chất vấn nặng nề với giới công nghệ: "Ông Dorsey [CEO Twitter], những kẻ quỷ quái nào đã bầu ra các ông, cho các ông quyền quyết định báo chí được phép đưa tin gì, người dân Mỹ được phép lắng nghe điều gì? Vì sao các ông lại liên tục hành xử như một ban vận động hành lang của Đảng Dân chủ để chèn ép các tiếng nói đối lập?".
TNS Ted Cruz (trái) chỉ trích nặng nề Twitter đang "chèn ép" các tiếng nói ủng hộ Đảng Cộng hòa (Nguồn: Reuters)
Các TNS Cộng hòa cũng xoáy vào vấn đề Twitter liên tục dán nhãn cảnh báo với các bài đăng của Tổng thống Donald Trump, trong khi lại bỏ qua nội dung từ các lãnh đạo thế giới khác: "Thật là lạ khi các vị cảnh báo bài đăng của ông Trump, nhưng lại không làm gì khi Lãnh đạo Tối cao Iran Khamenei đăng tweet đòi xóa sổ Israel khỏi bản đồ thế giới" - theo lời TNS Cory Gardner.
Người đứng đầu Ủy ban Thương mại Thượng viện, Roger Wicker thì chỉ trích các hãng công nghệ đặt ra "tiêu chuẩn kép" trong kiểm duyệt nội dung mà không chịu trách nhiệm, và "giờ là lúc chiếc vé thông hành miễn phí cần được bãi bỏ" - nhắm đến việc thay đổi Điều 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông, cho phép các nền tảng như mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm về nội dung người dùng đăng tải. Giữa phiên điều trần, tổng thống Trump cũng đăng tweet một lần nữa kêu gọi bãi bỏ Điều 230.
Tổng thống Donald Trump tiếp tục đăng bài kêu gọi bãi bỏ Điều 230 (Nguồn: Twitter)
Tuy nhiên những công kích từ các chính trị gia Cộng hòa không nhận được mấy tán đồng từ các đồng nghiệp phe Dân chủ. TNS Brian Schatz tuyên bố khi đến lượt hỏi của mình: "Buổi điều trần này chỉ có thể gọi bằng một cụm từ, đó là sự giả tạo. Lần đầu tiên trong 8 năm ở Thượng viện, tôi sẽ không tốn thời gian hỏi bất cứ điều gì, bởi nó hoàn toàn vô nghĩa".
TNS Richard Blumenthal chỉ trích những bình luận từ Đảng Cộng hòa "phản bội nỗ lực cải tổ Điều 230", chỉ nhằm "bắt nạt các nền tảng công nghệ theo hướng có lợi cho Tổng thống Trump". Còn Phó chủ tịch Ủy ban, bà Maria Cantwell thì cho rằng, bà hi vọng phiên điều trần không làm "giảm nhiệt" cuộc chiến chống tin giả trong giai đoạn bầu cử và tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến căng thẳng.
Các CEO công nghệ phát ngôn tự bảo vệ mình như thế nào?
Thừa nhận các thách thức, nhưng cả 3 CEO cũng cho rằng sự đồng thuận cao hơn trong chính giới về chính sách quản lý các thông tin trên nền tảng số. Phát biểu mở đầu của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg cho rằng: "Đảng Dân chủ nói chúng tôi loại bỏ quá ít thông tin, còn Đảng Cộng hòa lại cho là chúng tôi đã xóa quá nhiều. Điều đó cho thấy có vẫn còn nhiều bất đồng về giới hạn lượng thông tin trực tuyến".
CEO Mark Zuckerberg bị mất kết nối trong vài phút đầu phiên điều trần (Nguồn: CNN)
CEO Sundar Pichai của Alphabet (công ty mẹ của Google) thì khẳng định cách tiếp cận của hãng là không thiên vị chính trị "một cách tối đa": "Làm khác đi sẽ là trái với lợi ích kinh doanh và cả sứ mệnh của chúng tôi, đó là giúp tất cả mọi người tiếp cận được các thông tin, dù họ sống ở đâu hay tin vào điều gì".
Liên quan tới vụ cả Facebook và Twitter chặn truy cập đường link đến bài báo của tờ New York Post về Hunter Biden, con trai ứng viên Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ, Jack Dorsey, người đừng đầu Twitter trấn an rằng: "Chúng tôi nhận ra mình cần cố gắng nhiều hơn để được tin tưởng, cần đề cao trách nhiệm giải trình của mình, thể hiện quyết tâm và những kết quả mà chúng tôi đã đạt được".
Trong khi đó ông Zuckerberg lại hướng trách nhiệm tới giới chức Mỹ rằng, trong vụ việc này Facebook muốn cẩn trọng hơn, sau những cảnh báo về khả năng nước ngoài can thiệp bầu cử. Thực tế các cơ quan an ninh Mỹ đã bắt đầu điều tra khả năng, vụ "email của Hunter Biden" nằm trong một âm mưu tung tin giả nhằm can thiệp bầu cử.
Cả 3 CEO đều khẳng định sự cần thiết của Điều 230 với ngành công nghệ (Nguồn: Reuters)
Cả 3 CEO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Điều 230 hiện nay. Ông Dorsey cho rằng nếu như Điều 230 bị bãi bỏ, các startup công nghệ có thể bị kìm hãm phát triển, và củng cố thêm thế thống trị của các ông lớn. CEO Twitter cũng đề xuất mở rộng quy định này nhằm yêu cầu các công ty giải thích rõ các kiểm duyệt nội dung, quy trình khiếu nại dễ dàng, và cho phép người dùng có thêm quyền lựa chọn về nội dung.
Cuộc điều trần cũng khiến người ta phải nhắc tới qua một vài sự cố: CEO Mark Zuckerberg bị mất kết nối và phải tự xoay xở trong gần 5 phút để lên hình trở lại; hay người đứng đầu phiên điều trần, TNS Roger Wicker liên tục phát âm sai họ Pichai của người đứng đầu Google.
Tuy nhiên về nội dung, báo chí Mỹ đều thừa nhận sự kiện chỉ để lại một tín hiệu hỗn độn. Ngoài việc cố gắng gia tăng áp lực lên các ông lớn công nghệ, dường như các chính trị gia còn không thể thống nhất vấn đề trung tâm là gì, chứ chưa nói giải pháp nằm ở đâu. Và do dó, khó có thể chờ đợi hoạt động của những tên tuổi đầy quyền lực này, sẽ có bước ngoặt lớn từ phiên điều trần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!