Điểm nóng Trung Đông chưa bao giờ hạ nhiệt

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 05/01/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Những biến động năm 2020 được dự báo còn có thể đẩy khu vực Trung Đông vào những ngã rẽ rất mới trong năm 2021.

Năm 2020, mặc cho đại dịch COVID-19 tàn phá, khu vực Trung Đông vẫn chứng kiến những biến động mạnh mẽ, từ cuộc chiến giá dầu, bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một loạt quốc gia Arab, cho đến những căng thẳng xung quanh Iran. Nó là minh chứng cho thấy điểm nóng Trung Đông chưa bao giờ hạ nhiệt.

Biểu ngữ Hòa bình được thắp sáng tại Tel Aviv (Israel) đánh dấu một sự khởi đầu lịch sử tại Trung Đông. Một thế chiến lược mới được mở ra, giữa một bên là Israel cùng một số quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ, còn phía bên kia - Iran và những lực lượng hồi giáo Shiite thân mình.

Tiến sĩ Kristian Alexander - Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Trends cho rằng: "Có thể nó sẽ dẫn đến một liên minh quân sự mới tại Trung Đông, giữa những quốc gia như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất với Israel. Cùng với các căn cứ quân sự của Mỹ đóng tại đây, điều đó sẽ tạo nên lực lượng quân sự mạnh nhất khu vực".

Đại dịch có thể làm ngưng trệ các hoạt động kinh tế, xã hội. Nhưng những chuyển động quân sự tại Trung Đông thì không yên ắng. Với Iran, đó là để nhằm đối phó những sức ép mới. Trong khi những quốc gia Arab hay Israel lại đang muốn chuẩn bị trước cho những điều chỉnh chiến lược của Mỹ gần như chắc chắn dưới thời tổng thống đắc cử Biden.

Điểm nóng Trung Đông chưa bao giờ hạ nhiệt - Ảnh 1.

Ông Biden phát biểu trước toàn nước Mỹ sau khi cử tri đoàn bỏ phiếu xác nhận người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020. (Ảnh: AP)

Tiến sĩ Spyridon Plakoudas - Chuyên gia An ninh, Học viện Rabdan, UAE nhìn nhận: "Tổng thống Trump vốn thi hành một chính sách đối ngoại dựa trên những mối quan hệ cá nhân. Chính quyền Biden có thể sẽ có một cách tiếp cận rất khác, thể chế hơn, đề cao các giá trị dân chủ, pháp quyền, hay tôn trọng các hiệp ước và liên minh... Nó khiến những nhà lãnh đạo như Thái tử Saudi Arabia Mohamed Bin Salman, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cảm thấy lo lắng. Không biết mối quan hệ giữa họ với ông chủ mới của Nhà Trắng liệu sẽ như thế nào".

Tổng thống đắc cử Biden được kỳ vọng sẽ mang đến những làn gió mới cho điểm nóng Iran. Một cách tiếp cận mềm dẻo hơn so với thời Tổng thống Trump, người ta có thể dự báo. Nhưng liệu ông Biden có hóa giải được những đối đầu, căng thẳng hiện nay, không ai dám nói trước.

Ông Mohsen Aref - Nhà phân tích chính trị từ Tehran, Iran nhấn mạnh: "Cần nhớ là Tổng thống Trump đã đặt ra những rào cản không hề dễ hủy bỏ. Các lệnh trừng phạt như về nhân quyền, hay liệt lực lượng Cách mạng Hồi giáo Iran là tổ chức khủng bố... Nó phải được thông qua bởi Thượng viện hay Hạ viện Mỹ nữa. Trong khi tại Iran, phe bảo thủ vẫn đang không ngừng kêu gọi hãy đừng dại dột mà đặt niềm tin vào Mỹ thêm một lần nữa".


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước