Chương trình TCTG với sự tham gia bình luận của ông Nguyễn Quang Khai - Nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Á châu Phi, Bộ Ngoại giao - nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Arab.
Trung Đông hiện nay và Trung Đông của nhiều thế kỷ trước không khác nhau là mấy về sự bất ổn, về mức độ xung đột và bạo lực. Điều này thể hiện rõ qua cuộc nội chiến khốc liệt và đẫm máu đang diễn ra tại Syria và tình hình tồi tệ tại các vùng đất của người Palestine hay tại đất nước Iraq.
Điều rõ ràng là làn sóng Mùa xuân Arab quét qua khu vực Trung Đông và châu Phi trong hơn 2 năm qua đã làm nảy sinh thêm những điểm nóng mới, những mâu thuẫn và xung đột mới trong khi những hồ sơ gai góc khác của khu vực từ nhiều thập kỷ trước chưa hề có hy vọng được khép lại.
Đặc biệt, tháng 12 vừa qua, Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC) đã công bố một báo cáo mang tên "Các xu hướng toàn cầu năm 2030: Những thế giới khác", trong đó dự báo một thế giới chuyển đổi vào năm 2030. Một điểm đáng lưu ý của báo cáo là: Mặc dù xung đột giữa các nước đang giảm, nhưng những mâu thuẫn xung đột trong nội bộ các nước sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt tại Trung Đông, Nam Á và châu Phi. Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi gây bất ổn khó lường và làm trầm trọng thêm sự mất an ninh toàn cầu.
Thực tế tại Trung Đông, hòa giải và hòa hợp dân tộc là yếu tố sống còn để các quốc gia ra khỏi bất ổn và tạo lập sức mạnh cho mình. Ổn định và củng cố, thống nhất liên kết từ bên trong là cách tốt nhất để phòng ngừa, chống đỡ với những can thiệp gây bất ổn từ bên ngoài. Đó chính là điều có lẽ không chỉ riêng ở Trung Đông mà cần phải lưu ý ở bất cứ quốc gia cũng như khu vực nào trong một thế giới nhiều biến chuyển nhanh chóng và phức tạp như hiện nay.
Chương trình Toàn cảnh thế giới với hai câu chuyện mới và cũ của Trung Đông: Đó là Syria - Palestine với những diễn biến mới đáng chú ý trong tuần và mâu thuẫn nội tại trong mỗi nước cùng nỗ lực hòa hợp, hòa giải dân tộc như một yếu tố mấu chốt của giải pháp. Mời Quý vị theo dõi Video.