Điện gió và điện mặt trời sẽ đưa thế giới vào kỷ nguyên mới

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 14/04/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Mức tăng trưởng kỷ lục về năng lượng gió và mặt trời vào năm ngoái đã đưa việc sản xuất điện trên toàn thế giới lên mức sạch nhất từ trước đến nay.

Dự báo từ năm 2023 này, điện gió và điện mặt trời sẽ đưa thế giới vào một kỷ nguyên mới với việc giảm sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm lượng khí thải của ngành điện. Thông tin đáng chú ý này vừa được công bố trong báo cáo đưa ra hôm qua của Tổ chức Tư vấn khí hậu độc lập Ember.

Báo cáo đánh giá điện toàn cầu thường niên tổng hợp dữ liệu ngành điện của 78 quốc gia - chiếm tới 93% nhu cầu sử dụng điện toàn cầu. Theo đó, năng lượng gió và năng lượng mặt trời chiếm tỷ lệ cao kỷ lục 12% trong tổng sản lượng điện toàn cầu năm ngoái, tăng đáng kể so với mức 10% ghi nhận trong năm 2021.

Cũng theo báo cáo này, tổng cộng tất cả các nguồn điện sạch (gồm năng lượng tái tạo và điện hạt nhân) chiếm gần 40% tổng điện năng toàn cầu - một mức cao kỷ lục mới khác. Sự tăng trưởng trong sản xuất điện gió và điện mặt trời năm 2022 đã đáp ứng 80% mức tăng nhu cầu điện năng toàn cầu.

Điện gió và điện mặt trời sẽ đưa thế giới vào kỷ nguyên mới - Ảnh 1.

Bà Malgorzata Wiatros-motyka - Nhà phân tích điện cao cấp của Ember cho rằng: "Điện gió và điện mặt trời được hoạch định để nhanh chóng phát triển lên mức cao nhất. Điện sạch sẽ định hình lại nền kinh tế toàn cầu, từ vận tải đến công nghiệp và hơn thế nữa. Một kỷ nguyên mới của việc giảm phát thải từ nhiên liệu hóa thạch đồng nghĩa với việc cắt giảm dần điện than và sự kết thúc tăng trưởng điện khí đang hiện ra rõ nét".

Do ngành điện là nguồn phát thải CO2 hàng đầu nên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, ngành này cần tiên phong trong việc đạt mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2040. Điều này có nghĩa là sản lượng điện gió và điện mặt trời sẽ phải chiếm tới 41% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2030, so với 12% vào năm 2022.

Biến đổi khí hậu, xung đột, sự cạn kiệt của các nguồn hóa thạch như than đá, dầu mỏ… cùng những diễn biến khó lường trên thị trường năng lượng hiện nay đang thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ. Nhiều quốc gia đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu - chế tạo các công nghệ, thiết bị hiện đại để khai thác tiềm năng vô tận của các nguồn năng lượng này.

Điện gió và điện mặt trời sẽ đưa thế giới vào kỷ nguyên mới - Ảnh 2.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau: "Trên khắp đất nước, chính phủ của chúng tôi đang đầu tư và xây dựng toàn bộ hệ sinh thái công nghệ sạch. Từ khoáng sản quan trọng đến sản xuất và mọi thứ trong quá trình đó, Canada đang nhanh chóng trở thành nhà cung cấp năng lượng mà một thế giới không phát thải ròng sẽ cần. Người Canada có những kỹ năng và nguồn lực mà một tương lai không phát thải ròng yêu cầu".

Ông Roberto Zilles - Giám đốc Viện Năng lượng và Môi trường, Đại học Sao Paulo, Brazil: " Mỹ Latinh, chúng tôi nhận thấy trong 10 năm qua, đặc biệt là ở Brazil, đã có sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió… Brazil chắc chắn có thể trở thành một trong những nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn trong những năm tới, đặc biệt là quang điện mặt trời, nhờ vào tiềm năng sản xuất điện và các nguồn tài nguyên mà chúng tôi sở hữu".

Đầu tư vào năng lượng tái tạo tại châu Âu đang tăng tốc

Trong cuộc đua chuyển đổi xanh này, không thể không nhắc đến châu Âu. Vào năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện năng.

Điện gió và điện mặt trời sẽ đưa thế giới vào kỷ nguyên mới - Ảnh 3.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo tại châu Âu đang tăng tốc, do những kết quả tích cực của nỗ lực tiết kiệm khí đốt. Mùa hè năm ngoái, Liên minh châu Âu đặt ra mục tiêu tiết kiệm 15% khí đốt. Tổng kết lại, mức tiết kiệm thực hiện được đã vượt quá 20% khá dễ dàng, các cảnh báo kiểu như nguy cơ cắt điện, nguy cơ cứu trợ khí đốt cho nước Đức… đã không xảy ra. Nước Đức bây giờ tự tin đến mức sẽ từ bỏ điện hạt nhân vĩnh viễn, nhờ năng lượng tái tạo nay chiếm tỷ trọng đủ lớn. Thực tế cho thấy, phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với giảm lãng phí điện năng là giải pháp khả thi. Liên minh châu Âu đang tiếp tục đầu tư, nhằm đạt mục tiêu 45% tổng sản lượng điện của năm 2030 là từ năng lượng tái tạo.

Quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi công nghệ và nguyên liệu. Nếu như các nước châu Âu làm chủ được công nghệ, thì vẫn phải phụ thuộc bên ngoài về một số nguyên liệu, ví dụ như lithium, cobalt, nickel, silicone, tungstène hay đất hiếm. Giữa tháng trước, Liên minh châu Âu đã lên kế hoạch tự chủ nguyên liệu, đồng thời với kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi xanh, cho phép các nước thành viên tăng trợ cấp nhà nước cho doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi xanh. Cái giá phải trả sẽ là cao, nhưng bù lại, phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp Liên minh châu Âu vừa đạt mục tiêu giảm phát thải theo các cam kết khí hậu, lại vừa tăng được mức độ chủ động về năng lượng.

Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo yêu cầu sự thay đổi về chính sách, cơ cấu, công nghệ, tất nhiên không phải chuyện một sớm một chiều. Tuy nhiên, việc xuất phát sớm luôn mang lại các ưu thế nhất định. Với tiềm năng to lớn của mình, theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượngQquốc tế (IEA), đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp 1/3 lượng điện trên thế giới. Uớc tính, công suất điện gió và quang điện sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước