Trận động đất tại Đài Loan (Trung Quốc) đã làm ảnh hưởng đến nhiều nhà máy (Ảnh: CNBC/AFP)
Đài Loan (Trung Quốc) là nơi có nhà sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, bao gồm bộ xử lý trung tâm của những chiếc iPhone đời mới nhất và chip đồ họa Nvidia dùng để đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT của OpenAI.
Thế nhưng, trận động đất tồi tệ nhất trong 25 năm tại Đài Loan (Trung Quốc) vào sáng 3/4 đã làm gián đoạn hoạt động của các công ty, bao gồm TSMC - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Hãng chip Đài Loan TSMC, nhà sản xuất chip cho các khách hàng như Apple và Nvidia, đã phải tạm dừng một số cơ sở sản xuất chíp và sơ tán nhân viên. Tương tự, hãng chip UMC - đối thủ ngay trên sân nhà của TSMC - cũng đã cho dừng hoạt động tại một số nhà máy và sơ tán một số cơ sở tại các trung tâm của họ ở Hsinchu và Tainan.
Những hậu quả tiềm ẩn của trận động đất vừa xảy ra ở Đài Loan (Trung Quốc) là rất đáng ngại vì nơi đây đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất chip tiên tiến toàn cầu, nền tảng của các công nghệ hiện đại, từ trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh đến xe điện.
Sự kiện trên nêu bật lỗ hổng của chuỗi cung ứng vi mạch toàn cầu, khi TSMC là nhà sản xuất 90% chip tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Đài Loan (Trung Quốc) là nơi có nhà máy sản xuất chip bán dẫn tiên tiến nhất thế giới (Ảnh: CNBC/Getty Images)
Mặc dù trận động đất hôm thứ Tư dường như không có bất kỳ tác động lâu dài nào đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn nhưng nó đưa ra một lời nhắc nhở rõ ràng về những rủi ro khi tập trung sản xuất vi mạch quan trọng tại một hòn đảo vừa dễ xảy ra động đất, vừa là điểm nóng về căng thẳng địa chính trị.
Dường như lường trước điều này, các nhà sản xuất chip và chính phủ, bao gồm cả chính phủ Mỹ, trong những năm gần đây đã đầu tư hàng tỷ USD vào nỗ lực đa dạng hóa sản xuất chip nhưng nhiều chuyên gia lo ngại rằng quá trình đó chưa thể diễn ra nhanh chóng.
Trận động đất này có thể sẽ chỉ gây thêm áp lực cho những nỗ lực đang diễn ra trong nhiều năm nhằm tăng cường năng lực sản xuất chip bên ngoài Đài Loan (Trung Quốc). Các thảm họa khác, bao gồm đại dịch COVID-19 và hạn hán, trước đây đã đè nặng lên hoạt động sản xuất chất bán dẫn trong khu vực và gây ra tình trạng thiếu chip khiến giá hàng tiêu dùng tăng cao.
Các chuyên gia chuỗi cung ứng và quan chức Mỹ cũng lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và hành động gây hấn quân sự của Trung Quốc nhằm vào hòn đảo này có thể mang lại hậu quả lâu dài cho ngành này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!