Trận động đất vào sáng 6/2 với tâm chấn ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến hơn 160.000 tòa nhà ở nước này và miền Bắc Syria đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng.
Những tòa nhà đổ sập này tạo ra 100 triệu m3 gạch vụn, bê tông, thép và các vật liệu xây dựng khác, đủ để bao phủ một nửa thủ đô Washington của Mỹ trong đống đổ nát cao 1 mét, theo ước tính của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
Lượng gạch vụn này cũng lớn hơn nhiều so với các thảm họa thiên nhiên trong 10 năm gần đây. Cụ thể, khối lượng gạch vụn từ thảm họa động đất Nepal năm 2015 là 27 triệu m3, động đất Haiti năm 2010 là 10 triệu m3, bão Dorian năm 2019 là 1,7 triệu m3, sóng thần Indonesia năm 2004 là 1 triệu m3, bão Haiyan năm 2013 ở Philippines là 760.000 m3.
Christine Goulet, Giám đốc Trung tâm khoa học động đất thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), cho biết, các trận động đất cường độ mạnh và cấu trúc cơ sở hạ tầng yếu tại các khu vực bị ảnh hưởng đã góp phần tạo ra lượng gạch vụn lớn. Trận động đất hồi tháng 2 là trận mạnh nhất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1939.
"Số lượng nhà sập thật đáng kinh ngạc", ông Goulet nói. "Một thành phố không thể mọc lên trong một ngày, mà gồm nhiều tòa nhà được xây trong nhiều thập kỷ theo các tiêu chuẩn và phương pháp khác nhau".
Theo ông Goulet, một số tòa nhà dễ bị sập trong trận động đất mạnh như vậy, nhưng số lượng đáng lẽ không nhiều đến thế, nhất là những tòa mới xây.
Khu vực bị ảnh hưởng động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Và rất nhiều trong số này giờ chỉ còn là một phần của 100 triệu m3 gạch vụn sau động đất.
Trận động đất hôm 6/2 khiến hơn 50.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thiệt mạng. Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc ước tính, 1,5 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ bị mất nhà ở và cần xây khoảng 500.000 ngôi nhà mới. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Ankara cần tới 100 tỷ USD để tái thiết nhà ở và hạ tầng công cộng sau động đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!