Đây là cảnh tượng đầu tiên khi du khách đến thăm thị trấn lịch sử Višegrad đẹp như tranh vẽ ở miền Đông Bosnia. Theo đó, hàng tấn rác trôi nổi, chủ yếu là chai nhựa, là mối đe dọa đối với nền kinh tế dựa vào du lịch của địa phương và cũng gây nên những lo ngại về tác động đến sức khỏe người dân.
Sông Drina chảy qua Montenegro, Serbia và Bosnia, nơi nhà máy thủy điện Višegrad đã xây dựng một rào chắn tạm thời từ các thùng dầu cũ ở sâu trong hẻm núi khoảng 20 năm trước để bảo vệ con đập khỏi các loại rác thải do dòng sông mang theo. Tuy nhiên, đôi khi hàng rào này bị vỡ bởi quá nhiều rác, buộc nhà máy thủy điện gần đó phải tạm dừng hoạt động.
Ông Tomislav Popovic, Giám đốc kỹ thuật nhà máy thủy điện Visegrad, Bosnia - Herzegovina, nói: "Đây là hậu quả của hành vi vô trách nhiệm của các làng thượng nguồn nhà máy thủy điện. Họ chẳng quan tâm đến hệ động thực vật và đang tạo ra một vấn đề sinh thái nghiêm trọng".
Anh Dejan Furtula, nhà hoạt động môi trường ở Višegrad, cho biết: "Chất thải này không phải do cư dân Višegrad tạo ra. Nó đổ xuống từ các thị trấn ở thượng nguồn. Tôi đã liên hệ với bộ phận quản lý rác thải của tất cả các đô thị ở thượng nguồn, họ nói rằng bờ sông trên đấy không có bãi chôn lấp. Lấy đâu ra bãi nào to để chôn lấp khi mỗi năm chúng ta có từ 10.000 đến 15.000 m3 bao bì nhựa, gỗ, phụ tùng thân xe, chất thải của lò mổ và chất thải y tế ở đây?".
Tiềm năng phát triển du lịch quanh con sông này, nơi vốn có dòng nước xanh màu ngọc lục bảo chảy qua một số cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, là rất lớn nhưng sự biến dạng bề mặt sông do rác thải đã làm mất lòng du khách.
Anh Dejan Furtula chia sẻ: "Tôi đã từng tham gia tổ chức các tour du lịch trên sông Drina và sông Lim, chèo thuyền kayak. Khi du khách nước ngoài đến đây và nhìn thấy chỗ rác thải nhựa này, họ tự hỏi mình đã trả tiền cho cái gì, để ngắm rác ư?".
Rác thải được vớt lên sẽ bị đem thiêu hủy nhưng từ đó cũng kéo theo một vấn đề khác là gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân hạ lưu và du khách. Đây vẫn đang là vấn đề nhức nhối bởi khó mà thay đổi thói quen xả rác trực tiếp ra môi trường của người dân ở vùng thượng lưu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!