Dự án ngăn chặn đại dịch từ trong rừng nhiệt đới ở Mexico

Vân Ánh-Thứ bảy, ngày 08/04/2023 12:14 GMT+7

Nghiên cứu với dơi trong quá trình tìm hiểu các bệnh lây truyền từ động vật sang người trong rừng rậm Yucatan của Mexico. (Ảnh: Medical Xpress)

VTV.vn - Các nhà khoa học Mexico đang tiến hành các cuộc nghiên cứu, và nơi mà họ đang nghiên cứu là ở trong những khu rừng nhiệt đới.

Nguyên nhân các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu trong rừng nhiệt đới là bởi môi trường nhiệt đới hoang dã là nơi có nhiều điều kiện phát sinh những căn bệnh lây truyền từ động vật sang người. Động thái này là nhằm tránh cho thế giới rơi vào khủng hoảng như khi đại dịch COVID-19 xảy ra và ngăn chặn các dịch bệnh có thể bùng phát trong tương lai.

Đêm xuống trong rừng nhiệt đới Yucatan ở Mexico, các chuyên gia thú y đang lấy máu và dịch từ dơi bắt được trong rừng.

Bà Audrey Arnal, nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm El Dorado, Mexico, nói: "Nếu tìm thấy virus ở cả động vật hoang dã và ở người, chúng ta biết rằng phải theo dõi và có các chiến lược phòng chống, vì chỉ cần một dòng có độc lực mạnh hơn một chút xuất hiện, dịch bệnh có thể bùng phát".

Do đó, mục tiêu của dự án liên kết giữa Pháp và Mexico này là phát hiện những bệnh truyền từ động vật sang người trong khí hậu nhiệt đới. Dơi được chú ý nhiều vì nó có thể là nguồn lây truyền virus Corona.

Tuy nhiên, đối tượng nghiên cứu của dự án rộng hơn, bao gồm cả một số loài chim, một số loài gặm nhấm.

Bà Rosa Elena Sarmiento, Khoa Thú y, Đại học UNAM, Mexico, cho biết: "Dự án này hướng tới việc dự báo các đại dịch tương lai bằng những hiểu biết về các virus đang lưu hành, lập nên một bản đồ các vùng nguy cơ và bật đèn đỏ tại đó".

Dự án ngăn chặn đại dịch từ trong rừng nhiệt đới ở Mexico - Ảnh 1.

Lấy máu từ một con bò để nghiên cứu như một phần trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch tiềm ẩn tiếp theo. (Ảnh: Medical Xpress)

Khu vực được lựa chọn để nghiên cứu là nơi có quá trình phá rừng diễn ra rất nhanh, khiến cho khu vực này trở nên điển hình cho các nguy cơ khẩn cấp về bệnh lây truyền từ động vật sang người. Các chuyên gia về sinh thái học và sinh học tiến hóa ước tính có từ 500.000 đến 800.000 loại virus có thể lây sang con người. Nguy cơ càng lớn khi con người mở rộng môi trường làm nông nghiệp và du lịch vì làm gia tăng sự tiếp xúc giữa động vật và con người.

Bà Rosa Elena Sarmiento thông tin: "Chúng tôi đã phát hiện những giống chim là ổ chứa virus Tây sông Nile và những giống chim là ổ chứa virus cúm".

Trong khi đó, theo bà Audrey Arnal: "Nghiên cứu muỗi cũng quan trọng vì muỗi là trung gian truyền các bệnh như sốt xuất huyết. Có nghĩa là muỗi có thể là cầu nối truyền bệnh giữa các động vật hoang dã khác và con người".

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu từ người dân địa phương để xác định xem họ có mang virus nào từ động vật hoang dã không và tiến hành các cuộc tham vấn với cộng đồng để hướng dẫn họ sống chung an toàn với thiên nhiên.

Dự án liên kết với châu Phi, Nam Á, Mỹ Latin gồm tổng cộng 22 nước và 200 tổ chức nhằm lập nên chiến lược phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật hoang dã làm mẫu cho cả thế giới.

Lây truyền hàng nghìn loại virus gây bệnh mới từ dơi do biến đổi khí hậu Lây truyền hàng nghìn loại virus gây bệnh mới từ dơi do biến đổi khí hậu

VTV.vn - Các nhà khoa học dự báo, ​​sẽ có 15.000 loại virus lây truyền giữa các loài khác nhau vào năm 2070, chủ yếu là do dơi di cư đến các khu vực mới khi khí hậu nóng lên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước