Những năm gần đây, du lịch miền núi tại Pakistan khá phát triển do du khách có xu hướng tìm đến những nơi còn nguyên sơ với không khí trong lành. Tuy nhiên, với người dân sinh sống tại những khu vực này, điều này cũng đồng nghĩa với việc cuộc khủng hoảng điện ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Du lịch phát triển cùng với sự gia tăng dân số khiến nguồn cung điện không đáp ứng đủ nhu cầu. Thời gian cắt điện thông thường vốn lên tới 18 tiếng/ngày, giờ thậm chí có thể còn tăng lên.
Trong căn bếp đơn sơ của nhà chị Aniqa Bano, công cụ nấu ăn chính là chiếc bếp đất nung. Nhà chị cũng có tủ lạnh nhưng chẳng chứa gì ngoài sách vở và bát đĩa bởi với tình trạng cắt điện lên tới 18 tiếng vào mùa hè và 22 tiếng vào mùa đông, tủ lạnh và nhiều thiết bị điện khác cũng chẳng để làm gì.
Trong căn bếp đơn sơ của nhà chị Aniqa Bano, công cụ nấu ăn chính là chiếc bếp đất nung (Ảnh: AFP)
Giờ đây, người dân tại thung lũng Skardu lại phải đối mặt với nguy cơ cắt điện nhiều giờ hơn khi du lịch ngày càng phát triển. Chỉ tính riêng du khách nội địa, số lượng khách du lịch đến với khu vực này trong năm 2023 đã tăng gần 20 lần so với cách đây 10 năm. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của địa phương lại không theo kịp tốc độ phát triển của du lịch. Do nằm ở vị trí xa xôi nên khu vực này không được kết nối với lưới điện quốc gia mà phải dựa vào nguồn điện từ hàng chục nhà máy thủy điện và nhiệt điện.
7.000 sông băng ở Pakistan đang tan chảy nhanh chóng. Băng tan có thể tạm thời làm tăng lượng nước sẵn có để sản xuất điện nhưng về lâu dài lại ảnh hưởng đến khả năng lưu trữ, làm giảm nguồn cung điện. Trong khi đó, du lịch phát triển cùng với sự gia tăng dân số khiến điện càng thêm thiếu hụt.
Các khách sạn có thể dùng các tấm pin mặt trời hoặc máy phát điện (Ảnh: AFP)
Cuộc khủng hoảng điện ngày càng trở nên trầm trọng hơn ở thung lũng Skardu, Pakistan (Ảnh: AFP)
Do nằm ở vị trí xa xôi nên khu vực này không được kết nối với lưới điện quốc gia mà phải dựa vào nguồn điện từ hàng chục nhà máy thủy điện và nhiệt điện (Ảnh: AFP)
Chị Siddiqa - người dân Pakistan - chia sẻ: "Cơ sở may quần áo của chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu có điện, cứ 3 ngày chúng tôi xuất xưởng 10 - 12 bộ quần áo, nhưng do thiếu điện, chúng tôi phải dùng máy khâu tay. Giờ thì phải 10 - 15 ngày mới xong một bộ".
Khách du lịch không bị ảnh hưởng bởi các khách sạn có thể dùng các tấm pin mặt trời hoặc máy phát điện nhưng nhiều người dân địa phương không thể mua được những thứ xa xỉ như vậy. Người dân Skardu không những chưa được hưởng những lợi ích mà du lịch phát triển mang lại mà còn phải đối mặt với nguy cơ cuộc sống trở nên tối hơn theo đúng nghĩa đen.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!