Dù thế giới "đình trệ" do COVID-19, hệ sinh thái của Trái Đất vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng

Trang Phan-Thứ sáu, ngày 05/06/2020 18:11 GMT+7

Hệ sinh thái của trái đất bị đe doạ nghiêm trọng. (Ảnh: The Independent)

VTV.vn - 3,8 triệu ha rừng nguyên sinh nhiệt đới bị mất đi vào năm ngoái. Cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 đang diễn ra rất nhanh. Hệ sinh thái của Trái Đất đang gặp nguy hiểm.

Nồng độ khí thải CO2 trên khí quyển Trái Đất trở lại mức kỷ lục

Theo số liệu do Chính phủ Mỹ công bố ngày 4/6, nồng độ khí thải CO2 trên khí quyển Trái Đất đã trở lại mức kỷ lục trong tháng 5, bất chấp việc đại dịch COVID-19 khiến các nền kinh tế bị ngưng trệ.

Theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) và Viện Hải dương học Scripps của Đại học California San Diego (Mỹ), nồng độ CO2 đo được tại Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii, Mỹ, trong tháng trước là 417/1 triệu đơn vị không khí (ppm), cao hơn mức kỷ lục 414,8 ppm vào năm ngoái.

Dù thế giới đình trệ do COVID-19, hệ sinh thái của Trái Đất vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng - Ảnh 1.

Nồng độ CO2 đo được tại Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii, Mỹ, trong tháng 5/2020 là 417/1 triệu đơn vị không khí (ppm). (Ảnh: Financial Times)

Ước tính lượng khí thải trên toàn thế giới đã giảm tới 26% tại một số nước trong giai đoạn cao điểm áp lệnh phong tỏa do dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, sự sụt giảm này lại không thể bù được cho lượng carbon mà cây trồng và đất thải ra khi phản ứng với nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố khác. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sẽ mất tới 6-12 tháng để nồng độ CO2 tại Mauna Loa có thể giảm từ 20%-30%.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change tháng trước dự báo, khí thải trên toàn cầu có thể giảm tới 7% trong năm nay. Tuy nhiên, Pieter Tans, nhà khoa học tại phòng giám sát khí thải gây hiệu ứng nhà kính của NOAA, cho rằng dù lượng khí thải có thể giảm nhẹ song mật độ CO2 sẽ vẫn tiếp tục tăng.

Tháng 5 là giai đoạn đỉnh điểm trong một năm về khí thải carbon trên toàn cầu. Tháng 5 năm nay lại có lượng khí thải trong khí quyển ở mức cao nhất trong hàng triệu năm qua.

Hệ sinh thái của Trái Đất bị đe doạ nghiêm trọng

Thế giới đã mất đi 3,8 triệu ha rừng nguyên sinh nhiệt đới vào năm 2019, cao hơn 2,8% so với năm trước. Tính trung bình, cứ sau 6 giây, chúng ta lại mất đi diện tích rừng tương đương với một sân bóng đá.

Số diện tích rừng nguyên sinh nhiệt đới mất đi chiếm khoảng một phần ba trong số 11,9 triệu ha diện tích cây che phủ bị mất đi vào năm ngoái, theo báo cáo từ Global Forest Watch.

Dù thế giới đình trệ do COVID-19, hệ sinh thái của Trái Đất vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng - Ảnh 2.

Cứ sau 6 giây, trái đất lại mất đi diện tích rừng tương đương với một sân bóng đá. (Ảnh: Times Famous)

Các khu rừng nguyên sinh được cho là một trong những môi trường có ý nghĩa sinh thái lớn nhất trên thế giới và đặc biệt quan trọng đối với việc lưu trữ carbon và đa dạng sinh học.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ở Nam Mỹ, Châu Phi và Đông Nam Á.

Bất chấp những nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng, tỷ lệ mất rừng nguyên sinh luôn ở mức cao trong hai thập kỷ qua. Tổng thiệt hại của rừng nguyên sinh trong năm ngoái tính theo hecta là cao thứ ba kể từ năm 2000. Tỷ lệ mất rừng nguyên sinh này làm gia tăng lượng khí thải CO2 trong không khí, tương đương với lượng CO2 được thải ra bởi 400 triệu ô tô.

Cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 đang diễn rất nhanh

Cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trên trái đất không phải là một mối lo ngại của tương lai. Nó đang xảy ra, nhanh hơn nhiều so với dự đoán trước đây và đó hoàn toàn là lỗi của con người.

Bằng các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, phá hoại môi trường, phá huỷ hệ sinh thái rừng và sử dụng các chất độc hại, con người đã làm hàng trăm loài vật biến mất đồng thời đẩy nhiều loài khác đến bờ vực tuyệt chủng.

Ông Gerardo Ceballos González, giáo sư sinh thái học tại Mexico, cho biết khoảng 173 loài đã tuyệt chủng từ năm 2001 đến 2014, nhanh gấp 25 lần so với tỷ lệ tuyệt chủng thông thường. Ngoài ra, trong 100 năm qua, hơn 400 loài động vật có xương sống đã tuyệt chủng. Trong quá trình tiến hóa thông thường, hiện tượng tuyệt chủng như vậy sẽ phải mất tới 10.000 năm.

Dù thế giới đình trệ do COVID-19, hệ sinh thái của Trái Đất vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng - Ảnh 3.

Trong 100 năm qua, hơn 400 loài động vật có xương sống đã tuyệt chủng. (Ảnh: Business Insider)

Ông González cũng cho biết, Trái Đất sẽ cần đến hàng triệu năm để khôi phục số lượng loài. Nhiều loài vật trên bờ vực tuyệt chủng đang sống tập trung ở những khu vực đang bị tàn phá bởi các tác động của con người. Khi một loài vật trong hệ sinh thái biến mất, nó làm xói mòn thêm hệ sinh thái và đẩy các loài khác vào nguy cơ tuyệt chủng.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết đại dịch COVID-19 chính là minh chứng cho những tác động của con người đối với thế giới tự nhiên và hậu quả nghiêm trọng của nó. Nhiều loài vật quý hiếm bị đẩy vào bờ vực tuyệt chủng bởi nạn buôn bán động vật hoang dã, đồng thời đó có thể là nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19. Lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã do chính phủ Trung Quốc áp đặt có thể là một biện pháp bảo tồn đối với nhiều loài vật, nếu được áp dụng đúng cách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước