Đức khuyến cáo biện pháp phòng dịch cho những tháng tới

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ tư, ngày 04/08/2021 11:17 GMT+7

(Ảnh minh họa: AP)

VTV.vn - Bộ Y tế liên bang Đức vừa khuyến cáo các biện pháp phòng dịch cho những tháng tới để kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Khuyến cáo được đưa nhằm mục đích giữ không để hệ thống y tế Đức bị quá tải, nhất là vào mùa thu và mùa đông năm nay.

Bộ Y tế liên bang Đức đã chuyển kế hoạch hành động phòng dịch thời gian tới đây của Bộ này cho các bang và Quốc hội liên bang Đức. Theo đó, Bộ Y tế Đức giữ quan điểm tiếp tục các biện pháp phòng ngừa COVID-19 hiện nay nhằm bảo vệ ngành y tế trước nguy cơ bị quá tải và bảo vệ nhóm người chưa tiêm chủng có nguy cơ nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa có thể ít nghiêm ngặt hơn so với mùa thu và mùa đông năm 2020 do những thành tựu nhất định của chiến dịch tiêm chủng đã đạt được cho tới nay.

Cụ thể, ít có khả năng thực hiện phong tỏa như trong làn sóng lây nhiễm thứ 2 và thứ 3, nhưng vẫn phải duy trì các biện pháp cơ bản như giữ khoảng cách, giữ vệ sinh dịch tễ và đeo khẩu trang ở những nơi tụ tập đông người trong không gian kín. Việc đeo khẩu trang sẽ được duy trì với tất cả mọi người (kể cả những người đã tiêm đủ và người đã khỏi bệnh) cho tới mùa xuân năm 2022, nhất là khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng như khi vào các cửa hàng bán lẻ.

Đức khuyến cáo biện pháp phòng dịch cho những tháng tới - Ảnh 1.

Đức đã có 61,8% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi và 52,6% được tiêm đủ. (Ảnh: Reuters)

Đối với các biện pháp phòng ngừa, theo Bộ Y tế liên bang Đức, việc tiêm vaccine COVID-19 và xét nghiệm sẽ giúp ngăn ngừa những người có tải lượng virus cao, dễ lây nhiễm cho người khác tham gia các hoạt động và sự kiện đông người. Từ đầu và giữa tháng 9/2021, bất kể chỉ số lây nhiễm ra sao, người dân Đức chỉ có thể tham gia các sự kiện/hoạt động nhất định ở nước này khi tuân thủ quy tắc 3G (gồm đã tiêm đủ, đã khỏi bệnh hoặc đã xét nghiệm). Các sự kiện/hoạt động được liệt kê bao gồm ẩm thực trong nhà, qua đêm ở khách sạn, những dịch vụ tiếp xúc gần, hoạt động thể thao và sự kiện trong nhà cũng như sự kiện lớn trong nhà và ngoài trời.

Kế hoạch của Bộ Y tế Đức cũng xem xét có thể tiếp tục áp đặt những hạn chế đối với những người chưa tiêm chủng, phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng, chỉ số lây nhiễm theo nhóm tuổi và tỷ lệ mắc bệnh nặng theo nhóm tuổi. Đặc biệt, với những người chưa tiêm chủng có thể bị hạn chế tiếp xúc cũng như hạn chế hoặc không được tham gia vào các sự kiện và hoạt động ẩm thực, nhà hàng. Kế hoạch này được cho sẽ buộc những người còn do dự tiêm chủng sớm thực hiện tiêm vaccine, khi việc xét nghiệm miễn phí hiện nay sẽ bị bãi bỏ từ ngày 11 hoặc 18/10 tới.

Bộ Y tế Đức cho rằng, nếu mọi công dân đều được đề nghị tiêm chủng, liên bang sẽ ngừng gánh chi phí cho các xét nghiệm, ngoại trừ những người không thể tiêm vaccine hoặc không được khuyến nghị tiêm chủng, như thai phụ hoặc trẻ vị thành niên (đối tượng hiện chưa được Ủy ban Tiêm chủng thường trực STIKO khuyến nghị tiêm chủng).

Theo số liệu của Bộ Y tế Đức, hiện có 32 triệu/83 triệu dân Đức chưa được tiêm chủng. Con số này bao gồm 9 triệu trẻ em dưới 12 tuổi hiện chưa có vaccine nào được phê duyệt cho việc tiêm chủng. Trong số 4,5 triệu trẻ em từ 12 - 17 tuổi, có 21% được tiêm ít nhất một mũi và gần 10% đã được tiêm đầy đủ. Theo số liệu sáng 3/8, Đức đã có 61,8% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi và 52,6% được tiêm đủ.

Dự kiến, vào ngày 10/8 tới, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ họp trực tuyến với thủ hiến các bang để thảo luận cách ứng phó với tình trạng số ca lây nhiễm đang ngày một tăng, dù vẫn ở mức thấp so với giai đoạn trước đây.

Trung Quốc tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, Đức siết phòng dịch với người nhập cảnh Trung Quốc tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, Đức siết phòng dịch với người nhập cảnh

VTV.vn - Trung Quốc hôm qua đã ghi nhận thêm 55 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 25 ca nhập cảnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước