Được ca ngợi là bước ngoặt giúp người lao động đạt được cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc, ý tưởng cắt giảm thời gian làm việc, đặc biệt là chế độ một tuần làm việc 4 ngày đang ngày càng nhận được sự chào đón ở nhiều quốc gia, trong đó có Đức. Thử nghiệm trong vòng 6 tháng qua tại 45 công ty và tổ chức tại Đức đã thu được những tín hiệu tích cực.
Với chế độ làm việc này, người lao động vẫn được nhận đầy đủ tiền lương. Những người ủng hộ cho rằng tuần làm việc 4 ngày sẽ giúp tăng năng suất của người lao động và do đó giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động có tay nghề của nước này. Trước đó, Anh và Nam Phi, Australia, Ireland và Mỹ đều đã thử nghiệm tương tự.
Nhiều người dân Đức ủng hộ cắt giảm thời gian làm việc (Ảnh: Getty Images)
Đức vẫn luôn là một trong các quốc gia đi đầu thế giới về việc điều chỉnh thời gian làm việc trong tuần như một phần của các nỗ lực thương lượng tiền lương hoặc tránh tình trạng dư thừa trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Hồi tháng 4/2022, chính phủ Đức đã thông qua một thỏa thuận trả lương cho hàng chục nghìn người lao động tại các ngân hàng công của Đức. Ngoài các điều khoản về lương, thỏa thuận này cũng bao gồm việc giảm số giờ làm việc trong tuần từ 39 giờ xuống 38 giờ từ năm 2024.
Kết quả thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần ban đầu cho thấy nhiều người dường như ủng hộ thời gian làm việc ngắn hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hoài nghi về năng suất, khả năng sáng tạo, khả năng tập trung... khi giờ làm ít đi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!