ECB tăng mạnh lãi suất cơ bản nhằm đối phó với lạm phát kỷ lục

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 28/10/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Chiều 27/10, Ngân hàng trung ương châu Âu đã quyết định tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ bản, nhằm đối phó với tốc độ lạm phát lên mức kỷ lục.

Ngân hàng trung ương châu Âu tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm. Sau ba lần tăng, lãi suất cơ bản nay ở mức 2%. Lãi suất huy động lên tới 1,5% và lãi suất tái cấp vốn ngắn hạn 2%, một mức tăng mà theo Ngân hàng trung ương châu Âu là vừa phải, không kìm hãm cũng không kích thích nền kinh tế.

Trước tháng 7, Ngân hàng trung ương châu Âu đã do dự, nhưng rồi sau đó đã liên tục tăng lãi suất cơ bản, chạy đua với Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Mỹ đã tăng trước và tăng mạnh, tạo khoảng cách ngày càng khác biệt giữa USD và euro, hút vốn từ châu Âu về Mỹ và làm suy yếu đồng euro.

Trong thông cáo báo chí, Ngân hàng trung ương châu Âu khẳng định sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất thêm nữa, có thể với mức tăng thấp hơn, mà mục tiêu vẫn là kiềm chế lạm phát trong khối các nước sử dụng đồng euro đã lên tới 9,9% vào cuối tháng trước. Ngân hàng trung ương châu Âu cho rằng lạm phát vẫn còn quá cao và sẽ còn cao trong một thời gian nữa.

IMF: Lãi suất nên tiếp tục tăng

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva trong một trả lời phỏng vấn mới đây đã bình luận cho rằng, các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát cho đến khi lãi suất về mức "trung tính". Theo bà Georgieva, hầu hết các nước chưa đạt đến mục tiêu này.

Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế trong ngày 26/10 đã thẳng thắn cho rằng, các ngân hàng trung ương vẫn nên tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa. Bình luận của bà Georgieva được đưa ra tại Berlin chỉ 1 ngày trước cuộc họp chính sách quan trọng của Ngân hàng trung ương châu Âu ECB, với các dự đoán rằng, ECB sẽ tiếp tục nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm.

ECB tăng mạnh lãi suất cơ bản nhằm đối phó với lạm phát kỷ lục - Ảnh 1.

Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): "Lạm phát cao đang làm suy yếu tăng trưởng và tác động nặng nề nhất tới những nhóm người nghèo nhất trong nền kinh tế. Đó là lý do tại sao các ngân hàng trung ương cần phải can thiệp chính sách nhằm kìm hãm lạm phát. Thời gian qua, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để đạt tới một mức lãi suất phù hợp kiềm chế lạm phát, nhưng ở hầu hết các quốc gia, chúng ta vẫn chưa đạt tới mức cần thiết này".

Nhiều tháng nay Ngân hàng trung ương ECB liên tục nhấn mạnh, mục tiêu điều hành của mình là nâng lãi suất lên một mức trung tính, tức là không thúc đẩy nhưng cũng không hạn chế tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách hiện đang ủng hộ một lập trường quyết liệt hơn, cho rằng ECB nên can thiệp mạnh tay hơn để đối phó với áp lực lạm phát.

Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế cũng cho rằng, phải đến năm 2024, các động thái điều chỉnh lãi suất trên toàn cầu mới thực sự phát huy hiệu quả tích cực. "Nếu chúng ta nhìn vào trường hợp các nền kinh tế sớm sử dụng công cụ lãi suất để ứng phó lạm phát, sớm thực hiện lộ trình tăng lãi suất, phải mất từ 6 đến 9 tháng để nhìn thấy hiệu quả, nhưng đến lúc đó, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi".

Các quyết định tăng lãi suất của ECB gần đây diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế sụt giảm, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên đến 9,9% trong tháng 9 do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.

Áp lực lạm phát với lao động nghèo

Như những đánh giá của người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế, lạm phát đang là mối đe dọa lớn nhất với kinh tế toàn cầu, đối tượng chịu tác động trực tiếp nhất, nặng nề nhất lại là lao động thu nhập thấp. Lạm phát đang được cảm nhận ở mọi khu vực trên thế giới, từ châu Âu, sang châu Mỹ, hay châu Á châu Phi.

Lạm phát không tác động lên tất cả mọi người theo cách bình đẳng. Với nhiều người rời quê đi lao động nước ngoài, hàng tháng gửi tiền về cho gia đình, lạm phát có nghĩa là số tiền tiết kiệm được ít hơn và cũng gửi về cho người thân được ít hơn.

ECB tăng mạnh lãi suất cơ bản nhằm đối phó với lạm phát kỷ lục - Ảnh 2.

Chị Lissa Jataas mỗi tháng vẫn cố gắng gửi 200 euro từ Cộng hòa Cyprus về Philippines. Để tiết kiệm tiền, thực phẩm mua hàng ngày cũng phải chọn loại rẻ hơn, quần áo thì mua ở cửa hàng từ thiện. Chị cho biết: "Với đồng lương công nhân thì vấn đề chi tiêu bây giờ phải rất cân nhắc. Tôi nghĩ ai cũng phải gồng mình, vì còn phải tiết kiệm hỗ trợ gia đình ở quê".

Phân tích của quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế cho thấy, Philippines là quốc gia châu Á có rủi ro an ninh lương thực cao nhất, do tỷ lệ phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu cao. Những người Philippines làm việc tại Cộng hòa Cyprus như chị Lissa thường không có ngày nghỉ, để có thêm thu nhập hỗ trợ gia đình ở quê nhà, vốn cũng đang gồng mình giữa cơn bão giá. Ở các nước thu nhập thấp, ước tính các gia đình chi tiêu hơn 40% thu nhập cho thực phẩm.

Ở quốc gia châu Phi Somalia, hạn hán và xung đột đã đẩy 1 triệu người vào cảnh mất nhà, nửa triệu trẻ em trước nguy cơ tử vong vì suy dinh dưỡng hoặc nạn đói. Ông Warsama mỗi tháng vẫn gửi từ 300 đến 3.000 USD từ Mỹ về Somalia cho người thân.

Ông Mahdi Warsama - Người Mỹ gốc Somalia nói: "Trước đây chỉ với mỗi 100 USD tôi gửi về, ở Somalia có thể làm rất nhiều việc, nhưng từ khi lạm phát, để mua những nhu yếu phẩm cơ bản, cần ít nhất 120 USD. Giá cả nhiều mặt hàng đã tăng gấp đôi, để gửi tiền về cho người thân, tôi cũng cần rất chú ý đến mức chi tiêu hàng tháng của mình và theo dõi tin tức điều hành lãi suất, kiềm chế lạm phát, điều tôi chưa bao giờ làm trước đây".

UNDP cho biết, có thêm 71 triệu người trên khắp thế giới phải chịu cảnh đói nghèo do giá lương thực và năng lượng tăng cao. Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính, lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh 9,5% trong năm nay. Nhưng tình hình thực tế ở các nước nghèo, thu nhập thấp, áp lực lạm phát còn cao hơn. Cảm nhận rõ rệt nhất là với đời sống người dân lao động.

Hồi giữa tháng này, Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng vừa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 xuống 2,7%. Nguyên nhân do các nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục suy giảm. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2000, IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu dưới 3% cho năm sau. Báo cáo cho biết: "Hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong năm nay hoặc năm sau.

Lạm phát tại khu vực Eurozone ghi nhận mức kỷ lục mới Lạm phát tại khu vực Eurozone ghi nhận mức kỷ lục mới

VTV.vn - Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 9 tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới, ở mức 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước