Các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí hoàn tất các quy trình đàm phán vào cuối năm nay, trong đó có luật mới về cấm bán xe ô tô mới sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035 và luật cải cách thị trường carbon EU. Tuy nhiên, với hơn 10 luật cần hoàn tất đàm phán, hạn chót vào cuối năm được coi là một thách thức.
EU, gồm 27 thành viên với tổng lượng khí phát thải đứng thứ 3 trên thế giới, đang nỗ lực huy động các quốc gia phát thải chính đề ra những mục tiêu tham vọng hơn trước thềm COP27 sắp diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11 tới. Mục tiêu hiện tại của EU là giảm 55% mức phát thải ròng vào năm 2030, so với các mốc năm 1990.
Trước đó, tại hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước thành viên Liên minh châu Âu vào ngày 20/12/2021, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans, người phụ trách dự án khí hậu của EU, nhấn mạnh, thị trường mua bán phát thải là một trong những công cụ tốt nhất để tác động đến hành vi và là cơ chế quen thuộc với ngành công nghiệp.
Để đạt mục tiêu giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính của EU vào năm 2030 so với năm 1990 và trung hòa hoàn toàn vào năm 2050, EU hồi tháng 7/2021 đã đề xuất một hệ thống mua bán khí thải mới (ETS) cho giao thông và sưởi ấm, theo đó loại bỏ tiêu thụ xe động cơ đốt trong. EU cũng đưa ra các yêu cầu mới nhằm nâng cấp các tòa nhà cũ nhằm tiết kiệm năng lượng hơn.
Dự kiến, kể từ năm 2025, các nhà cung cấp nhiên liệu và dầu sưởi sẽ phải mua phụ cấp phát thải CO2 với nguy cơ chuyển chi phí bổ sung này cho người tiêu dùng dưới hình thức hóa đơn năng lượng cao hơn. Tuy nhiên, các Bộ trưởng Bộ Môi trường EU yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) tính đến tác động xã hội. Đức, Thụy Điển và các quốc gia khác đã ủng hộ kế hoạch này, được cho là sẽ cắt giảm khí thải hiệu quả về chi phí và huy động vốn cho các khoản đầu tư xanh.
Đến nay, nhu cầu bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương đều được đề cập rất nhiều trong các cuộc đàm phán trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao và giá CO2 kỷ lục trên thị trường carbon hiện hành của EU.
Phó Chủ tịch EC Timmermans đã cam kết về "một quỹ đoàn kết" để giảm thiểu tác động đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Ông cho biết, EC muốn kết hợp đề xuất về ETS với một quỹ trị giá 72 tỷ Euro để bù đắp cho những người dân có thu nhập thấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!