Đây là thông báo vừa được giới chức Liên minh châu Âu (EU) đưa ra.
Trước đó, vào đầu tuần này, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị gia hạn cơ chế trên. Cụ thể, vào ngày 27/9, người phát ngôn Ủy ban châu Âu thông báo, cơ quan này đã đề xuất gia hạn cơ chế giám sát và kiểm soát xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19.
Trao đổi với hãng tin Reuters, người phát ngôn trên cho biết, hiện những cuộc thảo luận giữa EC với các nước thành viên của Liên minh châu Âu đang diễn ra. Nếu không được gia hạn, cơ chế sẽ hết hạn trong tuần này. Trong trường hợp được gia hạn, cơ chế này sẽ tiếp tục được duy trì cho tới cuối năm nay.
Ban đầu, toàn bộ các nước thành viên EU không ủng hộ đề xuất này do chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 được triển khai khá nhanh và không còn tình trạng thiếu vaccine như trong 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, do chưa chắc chắn về việc đảm bảo các mũi vaccine tăng cường trong bối cảnh các biến thể mới lây lan nên các nước trong khối sẽ phải duy trì một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Để được thông qua, đề xuất của EC phải nhận được sự ủng hộ của đa số các nước thành viên theo quy định.
Trước đó, cơ chế giám sát và kiểm soát xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 đã được gia hạn 2 lần sau khi được triển khai vào cuối tháng 1/2021, bất chấp những chỉ trích từ một số nước nhỏ do lo ngại điều này không cần thiết và có thể gây phương hại cho tính cạnh tranh của EU.
Cơ chế giám sát và kiểm soát xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 sẽ tiếp tục được triển khai. (Ảnh: AP)
EC đã thiết lập cơ chế này trong bối cảnh EU gặp khủng hoảng về nguồn cung vaccine và trong nỗ lực hạn chế xuất khẩu vaccine của các hãng dược phẩm vốn bị coi là không tôn trọng các cam kết bàn giao vaccine với EU. Tuy nhiên, cơ chế này lại cho phép xuất khẩu hàng trăm triệu liều vaccine được sản xuất tại EU tới hàng chục quốc gia trên thế giới.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã ra khuyến cáo y tế về việc tăng cường tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho phụ nữ có thai hoặc đang dự định có thai nhằm ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.
Theo CDC Mỹ, số liệu thống kê cho thấy, hiện chỉ có 31% phụ nữ có thai được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Mặc dù tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm vaccine đã tăng lên nhưng vẫn thấp hơn so với mức chung. Tháng 8 vừa qua, CDC Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo tiêm vaccine cho phụ nữ có thai dựa trên phân tích cho thấy, vaccine ngừa COVID-19 không làm tăng nguy cơ tử vong. Trong khi đó, khoảng 97% phụ nữ mang thai nhập viện do mắc COVID-19 chưa tiêm vaccine phòng bệnh.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau khuyến cáo người dân cần tiêm vaccine nếu muốn đi lại trong nước bằng máy bay, tàu hỏa liên bang. Thủ tướng Trudeau cho biết thêm rằng, việc chấm dứt đại dịch COVID -19 sẽ là trọng tâm ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Canada, các trọng tâm ưu tiên tiếp theo là biến đổi khí hậu và những vấn đề về chi phí sinh hoạt.
Thủ tướng Trudeau khẳng định, Chính phủ Canada sẽ thực hiện tất cả cam kết liên quan đến vấn đề vaccine phòng COVID- 9 mà đảng Tự do của ông đã đưa ra trước và trong suốt quá trình bầu cử.
Tháng 8, Chính phủ Canada đã thông báo xây dựng quy định về tiêm vaccine phòng COVID-19 bắt buộc đối với việc đi lại trong nội địa, đồng thời cũng sẽ áp dụng đối với đi lại bằng tàu biển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!