Vaccine COVID-19 hiện đang là mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu.
Ủy viên Thị trường nội khối Thierry Breton, quan chức phụ trách công tác sản xuất vaccine của EU, sẽ thảo luận với Điều phối viên Nhà Trắng về COVID-19 Jeffrey Zients. Theo nguồn tin, EU và Mỹ muốn "hợp tác, phối hợp nhằm tránh tạo ra sự đình trệ" cho các nhà sản xuất vaccine tại châu Âu.
Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh hoạt động sản xuất vaccine tại châu Âu đang tăng mạnh. EU muốn đảm bảo rằng, tất cả nguyên liệu đều có sẵn. Mục đích chính của cuộc đàm phán không phải để tiếp tục tranh cãi về những quy tắc mà nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc sản xuất vaccine tại châu Âu.
Ủy ban châu Âu (EC) hiện đang có kế hoạch gia hạn Cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 sau khi cơ chế này chính thức kết thúc vào ngày 31/3/2021. Thời gian gia hạn kéo dài tới cuối tháng 6 và có thể sẽ gây ra những phản ứng trái chiều giữa các nước trong và ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Vaccine COVID-19 hiện đang là mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu. (Ảnh: AP)
Thông tin trên được công bố sau khi Italy vào tuần trước đã từ chối cấp phép xuất khẩu 250.000 liều vaccine của AstraZeneca sang Australia thông qua cơ chế này.
Một quan chức trong khối cho biết, EC không phản đối quyết định của Italy và coi cơ chế kiểm soát xuất khẩu vaccine là cách thức “tự vệ chính đáng” của EU trước các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 cũng như tình trạng khan hiếm vaccine hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều nước bên ngoài EU đang phản đối cơ chế này. Tại phiên họp Đại hội đồng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) diễn ra từ ngày 1 - 4/3, một số nước cho rằng, EU đang "phát tín hiệu xấu" trong cuộc chiến vaccine. Một quan chức WTO kêu gọi, EU nên chấm dứt cơ chế vào cuối tháng 3 này.
EU đang đối mặt với tình trạng khan hiếm vaccine COVID-19, trong khi chiến dịch tiêm phòng đang được đẩy mạnh rất nhanh ở các quốc gia thuộc khối này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!