5 đời Tổng thống Mỹ tại đám tang cố Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. (Ảnh: NY Times)
Ba ngày sau lễ kỷ niệm ngày xảy ra cuộc bạo loạn tại Đồi Capitol của những người biểu tình ủng hộ ông Donald Trump làm 5 người thiệt mạng và hơn 140 sĩ quan cảnh sát bị thương, Lễ tang cấp nhà nước của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã diễn ra vào ngày 9/1 tại Nhà thờ Quốc gia Washington.
Lễ tang đã vẽ nên một bức tranh lịch sử theo một cách khác, với hình ảnh tương phản với các chuẩn mực bị đảo lộn, tô đậm "sự bảo tồn và sức mạnh đoàn kết", khi mang đến một khoảnh khắc đặc biệt: "các nhà lãnh đạo chính trị tạm gác lại những bất đồng để cùng nhau tưởng nhớ vị Tổng thống thứ 39 của nước Mỹ (từ năm 1977 đến năm 1981).
Tổng thống Biden đọc điếu văn tưởng nhớ cố Tổng thống Carter theo đúng di nguyện của ông (Ảnh: NY Times)
Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden, Tổng thống đắc cử Donald Trump và các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton đã tham dự quốc tang dành cho ông Carter. Tất cả người tham gia bày tỏ lòng kính trọng đối với vị cố Tổng thống được vinh danh vì tấm lòng khiêm nhường và sự cống hiến tận tâm cả trước, trong nhiệm kỳ và sau khi ông rời nhiệm sở.
Tổng thống Biden đã đọc điếu văn tưởng nhớ cố Tổng thống Carter theo đúng di nguyện của ông Carter. Trong điếu văn, ông Biden nhấn mạnh cuộc đời của vị cố Tổng thống là "câu chuyện về một người đàn ông không bao giờ để dòng chảy chính trị làm xao nhãng khỏi sứ mệnh phục vụ và định hình thế giới".
Hình ảnh của 5 đời Tổng thống Mỹ cùng xuất hiện trong một khuôn hình có lẽ sẽ còn được nhắc đến và trở thành chủ đề của báo chí trong nhiều năm nữa vì sự hiếm có của nó, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump và vợ ông, Melania ngồi cạnh cựu Tổng thống Barack Obama, ông George W. Bush cùng vợ ông - Laura, kế bên đó là vợ chồng ông Bill Clinton. Tất cả họ đều ngồi một hàng sau Tổng thống Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden. Những nhân vật lịch sử của nước Mỹ đều mặc những bộ vest tối màu giống nhau một cách đáng kinh ngạc, với cà vạt màu đen đến xanh da trời...
Trong buổi lễ tại nhà thờ, ông Trump và ông Obama ngồi sát nhau và đã có một cuộc đối thoại vô cùng thân thiện. Ông Trump thậm chí còn nở nụ cười.
Ông Trump (bên phải) thậm chí còn nở nụ cười với ông Obama (Ảnh: Getty Images)
Cuộc trò chuyện kéo dài khoảng vài phút, cho thấy ông Trump và ông Obama dường như vẫn duy trì quan hệ ổn định, bất chấp những bất đồng trong quá khứ.
Các chuyên gia cho rằng bức ảnh dường như toát lên một tuyên bố rõ ràng về quá trình chuyển giao quyền lực và tính liên tục của nền chính trị nước Mỹ.
Linh cữu ông Carter được quàn tại Điện Capitol, trở thành Tổng thống Mỹ thứ 13 được quàn tại đây sau người đầu tiên là cố Tổng thống Abraham Lincoln và người gần đây nhất là cố Tổng thống George H.W Bush.
Sau buổi lễ tại nhà thờ, di hài của ông Carter sẽ được chuyển về Georgia để làm lễ tang riêng và chôn cất cùng với vợ ông là Rosalynn Carter.
Cố Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (Ảnh: Department of Defense)
Ông Jimmy Carter, thành viên đảng Dân chủ, được bầu làm Tổng thống Mỹ vào năm 1976, đánh bại ứng cử viên Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm khi ấy Gerald Ford. Ông Carter phục vụ một nhiệm kỳ trước khi thất bại trong cuộc bầu cử vào năm 1980 trước đối thủ Ronald Reagan của đảng Cộng hòa. Khi rời Phòng Bầu Dục ở tuổi 56, ông Carter đã dành 4 thập kỷ tiếp theo tập trung vào các hoạt động thiện nguyện. Những cống hiến này khiến ông đôi khi được gọi là cựu Tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ - một sự tương phản hoàn toàn với tỷ lệ ủng hộ tương đối thấp khi ông rời Nhà Trắng vào tháng 1/1981.
Trên bình diện quốc tế, ông Carter được công nhận sau khi hết nhiệm kỳ Tổng thống vì những nỗ lực không mệt mỏi trong việc thúc đẩy các giải pháp hòa bình thông qua Trung tâm Carter. Năm 2002, ông được trao Giải Nobel Hòa bình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!