Một đám cháy mới ở khu phố West Hills của Los Angeles đã bùng phát dữ dội vào tối 9/1, tiếp tục lan rộng ra một khu vực rộng lớn chỉ trong vài giờ, buộc lính cứu hỏa tỏa ra khắp Nam California để khống chế ngọn lửa phá hủy hàng nghìn công trình và khiến khu vực này rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Ít nhất 6 người được xác định thiệt mạng trong các đám cháy rừng vài ngày qua tại bang California.
Đám cháy mới Kenneth, bùng phát ở West Hills, phía bắc Calabasas, trong khi lực lượng cứu hóa vẫn chưa thể dập tắt được hai đám cháy lớn lớn trong khu vực tuần này.
Đám cháy thiêu rụi một biệt thự (Ảnh: Getty Images)
Hậu quả từ các vụ cháy ở California đã lan đến Las Vegas, nơi chính quyền thành phố cho biết Đường ống CalNev dài 560 dặm vận chuyển nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu California đến Nevada, có thể phải tạm thời gián đoạn dịch vụ. Thành phố đang yêu cầu người dân xem xét lại các chuyến đi dài.
Vụ cháy lớn nhất Palisades, hiện đã được khống chế khoảng 6%, vốn đã lan rộng đến hơn 19.000 mẫu Anh.
Đám cháy Eaton, bùng phát dữ dội không kiểm soát ở phía đông bắc Los Angeles, đã lan nhanh lên Núi Wilson vào ngày 9/1, có lúc đe dọa đến đài quan sát lịch sử Núi Wilson và một loạt ăng-ten, máy phát được sử dụng cho mục đích truyền thông cũng như phát sóng truyền hình địa phương.
Đám cháy gần Pasadena và Altadena, đã thiêu rụi hoặc phá hủy hàng nghìn công trình tính đến tối 9/1, theo các nhà chức trách ở California. Khói đen, không khí khét lẹt bao trùm cả một vùng rộng lớn.
Nhiều khu vực vẫn cháy âm ỉ (Ảnh: AFP/Getty Imges)
Trực thăng phun nước khống chế một đám cháy (Ảnh: AP)
Các đám cháy rừng dữ dội hoành hành tại khu vực Los Angeles vài ngày qua đã khiến số người phải sơ tán đã lên tới 180.000 người và hiện có khoảng 200.000 người khác đã nhận được cảnh báo có nguy cơ phải sơ tán trong trường hợp cháy rừng tiếp tục lan rộng.
Theo thống kê sơ bộ, đám cháy Palisades, bắt đầu tại khu vực giữa Santa Monica và Malibu, đã thiêu rụi khoảng 300 công trình và gây hư hại cho khoảng 13.300 công trình khác.
Đám cháy Eaton, gần khu vực Pasadena, đã ngừng lan rộng song vẫn chưa thể khống chế hoàn toàn. Độ ẩm thấp, trong khi gió mạnh với tốc độ 96km/h là những yếu tố khiến công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn. Dự báo gió mạnh sẽ còn kéo dài đến tối 10/1, tạo ra mối đe dọa lớn cho những khu vực dễ bị cháy.
Một khu vực rộng lớn tại thành phố Los Angeles bị phá hủy bởi đám cháy lịch sử (Ảnh: NY Times)
Lính cứu hỏa từ nhiều bang khác của Mỹ đang được điều động đến California, trong khi 250 đội cứu hỏa với 1.000 nhân sự đang được điều động từ Bắc California đến Nam California.
Các chuyên gia tài chính ước tính rằng thảm họa cháy rừng lần này có thể gây thiệt hại bảo hiểm lên tới 8-20 tỷ USD, vượt qua mức thiệt hại từ các đám cháy lớn trước đó như đám cháy Woolsey năm 2018.
Cảnh sát trưởng Los Angeles Robert Luna tuyên bố rằng cơ quan cảnh sát của ông đã chính thức yêu cầu sự hỗ trợ của Vệ binh Quốc gia California cùng tham gia để đối phó với các đám cháy Palisades và Eaton.
Ngày 9/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hơn 400 lính cứu hỏa liên bang, hơn 30 trực thăng và máy bay chữa cháy cùng 8 máy bay C-130 của Bộ Quốc phòng đang được cung cấp cho khu vực Nam California. Tổng thống Biden cam kết rằng chính quyền sẽ tiếp tục cung cấp "mọi nguồn lực có thể tìm thấy để giúp đỡ Thống đốc California và những người ứng cứu đầu tiên".
Đám cháy lịch sử gây ra thiệt hại hàng chục tỷ USD (Ảnh: NY Times)
Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden cũng cho biết chính phủ liên bang sẽ tăng ngân sách hỗ trợ ứng phó cháy rừng ở Los Angeles lên 100%. Ông Biden cho biết số tiền này sẽ được dùng để chi trả cho những việc như dọn dẹp đống đổ nát, nơi trú ẩn tạm thời, trả lương cho lực lượng ứng cứu đầu tiên và "tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản".
Ông nói: "Tôi đã nói với thống đốc và các quan chức địa phương rằng, hãy chi trả mọi chi phí cần thiết để dập tắt đám cháy và ngăn chặn những cộng đồng thực sự bị tàn phá". Động thái này được đưa ra sau khi Thống đốc California Gavin Newsom yêu cầu Tổng thống Biden tăng tỷ lệ tài trợ được ủy quyền lên 90%.
Ngày 9/1, ông Don Fregulia, người đứng đầu Đội quản lý liên ngành California số 5 cho biết nỗ lực cứu hỏa trở nên phức tạp hơn khi gió vẫn đang khá mạnh và thời tiết vẫn sẽ khô hạn vào tuần tới. Ông đánh giá thậm chí còn có khả năng "có thể có những cơn gió mạnh hơn nữa" vào ngày 14/1.
Nỗ lực cứu hỏa gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi (Ảnh: NY Times)
Vào đầu ngày 9/1, Cơ quan thời tiết quốc gia tại Los Angeles cho biết trong chiều cùng ngày dự kiến sẽ có gió mạnh hơn và vẫn thổi mạnh cho đến ít nhất là chiều ngày 10/1 trong vùng cháy. Một đợt gió Santa Ana khác có khả năng xảy ra vào tối 11/1 đến ngày 12/1. Ông Fregulia nói: "Ngoài kia khô lắm, rất, rất khô".
Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Giám sát hạn hán Mỹ công bố ngày 9/1, tình trạng hạn hán nghiêm trọng cấp độ 2 trong thang 4 cấp đã mở rộng mức độ ảnh hưởng tới nhiều khu vực, chiếm tới 10% diện tích của toàn bang California, chủ yếu ở phía Nam và Đông Nam.
Bên cạnh nỗ lực ứng phó với các đám cháy rừng, lực lượng chức năng tại Los Angeles cũng đã bắt giữ ít nhất 20 người liên quan đến hành vi lợi dụng vụ việc để cướp bóc. Giám sát viên Los Angeles Kathryn Barger cho biết: "Chúng tôi sẽ không để điều này tiếp tục xảy ra" và gọi những đối tượng cướp bóc là những kẻ cơ hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!