Thông tin được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về hệ thống lương thực đang diễn ra tại Thủ đô Rome của Italy, với thông điệp: cần chuyển đổi hệ thống lương thực toàn cầu.
Theo Liên Hợp Quốc, các hoạt động không bền vững trong sản xuất, đóng gói và tiêu thụ thực phẩm cũng đang thúc đẩy biến đổi khí hậu do các hoạt động này chiếm 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính, tiêu hao 70% lượng nước ngọt của thế giới và làm mất đa dạng sinh học ở quy mô lớn.
Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu cần 400 tỷ USD/năm, nhưng nếu không hành động, sẽ tổn thất gấp 30 lần, tức là 12 nghìn tỷ USD/năm.
Hơn 2.000 đại biểu tham gia hội nghị đã tập trung thảo luận biện pháp giải quyết những vấn đề mà hệ thống lương thực toàn cầu đang đối mặt, tìm ra giải pháp để sản xuất tốt hơn, nâng cao chất lượng dinh dưỡng, thân thiện hơn với môi trường.
Bà Corinna Hawkes - Giám đốc Hệ thống Thực phẩm và An toàn thực phẩm của FAO nhận định: "Hệ thống lương thực thực phẩm là mọi thứ liên quan tới thực phẩm và nông nghiệp. Điều thực sự quan trọng và lý do chúng tôi gọi nó là một hệ thống là mọi thứ được kết nối với nhau".
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres chia sẻ: "Hãy chuyển đổi hệ thống thực phẩm cho tương lai và đảm bảo rằng mọi người, ở mọi cộng đồng và quốc gia, đều có quyền tiếp cận với thực phẩm an toàn và bổ dưỡng mà họ cần và xứng đáng".
Ông Qu Dongyu - Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết thêm: "Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, chúng ta đã đạt được tiến bộ trong việc xác định các giải pháp mà hệ thống lương thực thực phẩm có thể cung cấp để sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn, để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Những giải pháp này phụ thuộc vào việc chuyển đổi các hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu trở nên hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn".
Đổi mới hệ thống lương thực nhờ công nghệ
Rất nhiều trong số các đại biểu tham gia Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về hệ thống lương thực nhấn mạnh đến việc phải đầu tư vào nghiên cứu và công nghệ để đổi mới hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu, tăng cường tính bền vững, cải thiện chất lượng và số lượng của sản phẩm.
Một giải pháp đang được kỳ vọng có thể giúp giải quyết nạn đói toàn cầu, đó là kết hợp trí tuệ nhân tạo AI và chỉnh sửa gen. Những giống cây này được tạo ra từ phương pháp chỉnh sửa gen. Các nhà nghiên cứu trên thế giới hy vọng phương pháp này sẽ giúp phát triển các cây trồng siêu kháng khí hậu có khả năng mang lại năng suất cao hơn với ít đất trồng hơn.
Chỉnh sửa gen có thể thay đổi mã di truyền bằng cách sử dụng ADN của chính sinh vật. Với các enzym đặc biệt hoạt động giống như chiếc kéo, các gen từ thực vật có thể bị xóa, hoán đổi hoặc lặp lại.
GS. Wendy Harwood - Trung tâm Nghiên cứu John Innes, Nordwich, Anh cho biết: "Không có ADN ngoại lai được cấy vào các giống cây này. Khác với biến đổi gen khi ta cấy một gen mới vào, chỉnh sửa gen chỉ thực hiện những thay đổi nhỏ trên gen".
Sẽ mất nhiều chục thế hệ sinh sản để chuyển một gen duy nhất bằng cách lai tự nhiên. Lai tạo có thể mất hơn 10 năm để có được kết quả mong muốn, trong khi chỉnh sửa gen chỉ mất vài tháng và giai đoạn thử nghiệm là vài năm. Hơn thế nữa, kết hợp với trí tuệ nhân tạo AI, các nhà khoa học có thể dễ dàng xác định được nhiều cơ hội tối ưu hóa hơn nữa trong gen của động, thực vật. Các thuật toán có thể nhanh chóng xử lý khối lượng dữ liệu mà một cá nhân phải mất nhiều năm mới đạt được.
Hiện các nhà khoa học tại Philippines đang ứng dụng công nghệ này để tạo ra các giống lúa có khả năng chống chịu hạn hán và lũ lụt.
Ông Shalabh Dixit - Chuyên gia về giống cây trồng, Viện Nghiên cứu Quốc tế về Lúa gạo (IRRI) khuyến cáo: "Trước tình trạng biến đổi khí hậu, gia tăng căng thẳng về sinh học và phi sinh học, lượng nước trên toàn cầu giảm, chúng ta cần gạo có gen tốt hơn để có thể cho năng suất ổn định trong môi trường đầy biến động. Khi môi trường biến động ngày càng nhiều, tính ổn định của năng suất sẽ giảm. Vì vậy, các giống cây trồng cải tiến, chống chịu tốt hơn với khí hậu, sử dụng ít nước và chất dinh dưỡng hơn là rất quan trọng".
Với việc nhiều nước, cùng với các công ty đa quốc gia, đầu tư mạnh vào công nghệ chỉnh sửa gen, một thị trường trị giá hàng tỷ USD đã hình thành từ vài năm nay. Dù vẫn có những nghi ngại về việc liệu chỉnh sửa gen có thể tạo ra các đột biến gây hại, nhưng trong thời điểm hiện nay, công nghệ này vẫn là một hy vọng để tạo ra các loại cây trồng có năng suất cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt để nuôi sống dân số toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!