Gần 3 triệu người thiệt mạng mỗi năm do uống rượu

Lan Chi (Theo NDTV)-Thứ tư, ngày 26/06/2024 16:48 GMT+7

(Ảnh minh họa: iStock photo)

VTV.vn - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu cướp đi sinh mạng của gần 3 triệu người mỗi năm.

Dù tỷ lệ tử vong đã giảm nhẹ trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức "cao không thể chấp nhận được".

Theo báo cáo, rượu là nguyên nhân gây ra gần 1/20 ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong các trường hợp như lái xe khi đã uống rượu, bạo lực và lạm dụng do rượu gây ra hay rối loạn sức khỏe do sử dụng rượu. Năm 2019, có 2,6 triệu người chết vì uống rượu, chiếm 4,7% tổng số người tử vong trên toàn thế giới trong năm. Gần 3/4 trong số đó là nam giới.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Việc sử dụng chất gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cá nhân, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, tình trạng sức khỏe tâm thần và dẫn đến hàng triệu ca tử vong có thể phòng ngừa được mỗi năm". Ông chỉ ra rằng lượng tiêu thụ rượu đã giảm từ năm 2010, nhưng các vấn đề về sức khỏe và ảnh hưởng đến xã hội do sử dụng rượu vẫn ở mức "cao không thể chấp nhận được". Tổng Giám đốc WHO cũng nhấn mạnh những người trẻ tuổi thường bị ảnh hưởng nhiều hơn khi sử dụng rượu.

Theo WHO, tỷ lệ tử vong do rượu cao nhất trong năm 2019 là 13% ở những người từ 20 - 39 tuổi.

Uống rượu ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, gây ra các bệnh như xơ gan, ung thư. Trong số các trường hợp tử vong do rượu năm 2019, ước tính có khoảng 1,6 triệu người mắc các bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó, việc lạm dụng rượu cũng khiến con người dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao, HIV và viêm phổi.

Ước tính có khoảng 209 triệu người nghiện rượu vào năm 2019 - chiếm 3,7% dân số toàn cầu. Tổng mức tiêu thụ rượu bình quân đầu người trên toàn thế giới giảm nhẹ xuống 5,5 lít rượu vào năm 2019 từ mức 5,7 lít 9 năm trước đó. Tuy nhiên, mức tiêu thụ rượu nói chung phân bố không đồng đều trên toàn cầu.

Hơn một nửa dân số thế giới trên 15 tuổi hoàn toàn không sử dụng rượu. Châu Âu có mức tiêu thụ rượu bình quân đầu người cao nhất là 9,2 lít, tiếp theo là châu Mỹ ở mức 7,5 lít. Mức tiêu thụ thấp nhất là ở các quốc gia có đa số người Hồi giáo ở Bắc Phi, Trung Đông và châu Á.

Gần 3 triệu người thiệt mạng mỗi năm do uống rượu - Ảnh 1.

(Ảnh: UN News)

Báo cáo của WHO cũng chỉ ra, trong số những người nghiện rượu được thống kê vào năm 2019, họ tiêu thụ trung bình 27 gram rượu nguyên chất mỗi ngày, tương đương với 2 ly rượu vang, 2 chai bia nhỏ hoặc 2 ly rượu mạnh.

"Mức độ và tần suất uống rượu này có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh cũng như tỷ lệ tử vong hay khuyết tật" - WHO cảnh báo.

Trên toàn cầu, 23,5% thanh niên từ 15 - 19 tuổi đang sử dụng rượu. Con số này đã tăng lên hơn 45% đối với những người trong độ tuổi này sống ở châu Âu và gần 44% ở châu Mỹ.

WHO cho biết điều cần thiết là phải cải thiện khả năng tiếp cận phương pháp điều trị có chất lượng đối với các chứng rối loạn do sử dụng chất gây nghiện.

Vladimir Poznyak, người đứng đầu đơn vị về rượu, ma túy và hành vi gây nghiện của WHO, nói: "Sự kỳ thị, phân biệt đối xử và quan niệm sai lầm về hiệu quả của việc điều trị góp phần tạo ra những lỗ hổng nghiêm trọng trong việc cung cấp các phương pháp điều trị cho người nghiện rượu".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước