Cảnh báo được đưa ra sau tháng 10 phá kỷ lục về nền nhiệt, trong đó nhiệt độ toàn cầu cao hơn 0,4°C so với kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 10/2019.
Samantha Burgess, Phó Giám đốc Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu cho biết: "Đây là một mức chênh lệch rất lớn". Bà Samantha Burgess mô tả, sự bất thường về nhiệt độ là "rất khắc nghiệt".
Bà Samantha Burgess nói: "Tháng 10 đã chứng kiến những sự bất thường về nhiệt độ, sau 4 tháng kỷ lục nhiệt độ toàn cầu bị xóa bỏ.
Chúng tôi có thể nói gần như chắc chắn rằng năm 2023 sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận và hiện nền nhiệt cao hơn 1,43°C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp".
Tình hình thực tế này gây thêm áp lực lên các nhà lãnh đạo thế giới trong việc đạt được một kết quả đầy tham vọng tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, COP28, vào cuối tháng 11 này.
Bà Burgess nói thêm: "Cảm giác cấp bách đối với hành động đầy tham vọng về khí hậu hướng tới COP28 chưa bao giờ cao hơn thế".
Cháy rừng tại thị trấn phía Đông Palma de Gandia ở Valencia, Tây Ban Nha, ngày 3/11. (Ảnh: AP)
Trên toàn cầu, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình trong tháng 10 ấm hơn 1,7°C so với tháng 10 từ năm 1850 đến năm 1900, được xác định là thời kỳ tiền công nghiệp, trước khi con người bắt đầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên quy mô lớn.
Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng tình trạng nóng lên toàn cầu vĩnh viễn cao hơn 1,5°C so với mức tiền công nghiệp có nguy cơ gây ra những tác động nghiêm trọng liên quan tới biến đổi khí hậu đối với con người, động vật hoang dã và hệ sinh thái.
Các bên tham gia Thỏa thuận chung Paris 2015 đã cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2°C so với mức tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này.
Tuy nhiên, bất chấp cam kết, lượng khí thải CO2 toàn cầu vẫn tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2022.
Nhiệt độ cao hơn gây ra lũ lụt nặng nề hơn và các đợt nắng nóng dữ dội hơn, đồng thời có thể khiến bão lũ mạnh hơn.
Theo các chuyên gia, phát thải khí nhà kính liên tục từ hoạt động của con người, kết hợp với sự xuất hiện của hiện tượng thời tiết El Nino trong năm nay làm ấm vùng nước bề mặt ở phía Đông Thái Bình Dương là hai yếu tố chính khiến nhiệt độ năm nay tăng cao.
Trước đó, năm nóng kỷ lục gần nhất được thiết lập vào năm 2016, một năm El Nino khác.
Michael Mann, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Pennsylvania, cho biết: "Hầu hết những năm El Nino diễn ra đều phá kỷ lục vì sự ấm lên toàn cầu. El Nino làm tăng thêm tốc độ nóng lên do con người gây ra".
2016 - Năm nóng kỷ lục trong lịch sử VTV.vn - Năm 2016 đã được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử kể từ khi các dữ liệu được thu thập năm 1880 và là năm thứ 3 liên tiếp nhiệt độ trung bình địa cầu cao kỷ lục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!