Dữ liệu trên đã tăng mạnh so với con số mà Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo đưa ra một tuần trước đó với 15.000 trường hợp mắc và 548 ca tử vong vì đậu mùa khỉ.
Theo Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo, căn bệnh này ảnh hưởng đến 17 nước châu Phi cũng như một số quốc gia bên ngoài "lục địa đen" với đối tượng ảnh hưởng chính là những người trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 15 tuổi.
Giới chức y tế quốc gia Trung Phi này đang hy vọng sẽ sớm nhận được vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ từ Nhật Bản và Mỹ để giúp chống lại đợt bùng phát mới này.
Vào tháng 12/2022, Cộng hòa Dân chủ Congo đã tuyên bố bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trên toàn quốc và hệ thống quản lý dịch bệnh đã được áp dụng kể từ tháng 2/2023 do số trường hợp được báo cáo ngày càng tăng.
(Ảnh: The New England Journal of Medicine)
Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng lây truyền gia tăng ra toàn cầu của bệnh này, sau thông báo về đợt bùng phát ban đầu vào ngày 23/7/2022.
Tuyên bố của WHO được đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi coi đợt bùng phát đậu mùa khỉ đang diễn ra là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với lục địa này.
Theo cơ quan y tế của Liên minh châu Phi, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ mới được báo cáo vào năm 2024 đã tăng 160% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều nước ở châu Âu và châu Á đã bắt đầu tiến hành các phương án cũng như các biện pháp nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan trên phạm vi toàn cầu.
Ngày 19/8, giới chức y tế Pakistan cho biết trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ tại nước này trong năm nay không nhiễm chủng mới của virus gây bệnh đang lây lan tại châu Phi. Bệnh nhân nam 34 tuổi nói trên được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ sau khi trở về từ một quốc gia vùng Vịnh hôm 16/8 vừa qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!