Giải mã bí ẩn lớn nhất về sự tiến hóa của loài người

Nguyễn Mai Phương A (Nguồn: CNN)-Chủ nhật, ngày 22/08/2021 19:50 GMT+7

Nhóm dân tộc thiểu số Ayta Magbukon ở Philippines được phát hiện thừa hưởng gen của chủng người Denisova mà trước nay chưa được biết đến.

VTV.vn - Những mẫu ADN của một nhóm dân tộc thiểu số ở Philippines đã vén bức màn bí ẩn lớn nhất về sự tiến hóa của loài người.

Phát hiện bất ngờ về bằng chứng di truyền của chủng người Denisova

Bằng chứng hóa thạch duy nhất cho thấy sự tồn tại của người Denisova - một chủng người tiền sử bí ẩn được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2010 - là 5 mảnh xương hóa thạch được tìm thấy trong hang Denisova dưới chân dãy núi Altai ở vùng Siberia, Liên bang Nga. Tên người Denisova đã được đặt theo tên hang động này.

Các mảnh xương nhỏ đến nỗi chúng có thể nằm gọn trong lòng bàn tay của một người.

Giải mã bí ẩn lớn nhất về sự tiến hóa của loài người - Ảnh 1.

Hang Denisova tại Siberia,LB Nga nơi phát hiện di cốt đầu tiên của chủng người tiền sử ít được biết đến (Ảnh: The Siberian Times)

Giờ đây, những mẫu DNA của một nhóm dân tộc thiểu số cách đó 3.000 dặm (khoảng 4.828 km), tại Philippines, đang làm sáng tỏ bí ẩn lớn nhất về quá trình tiến hóa của loài người.

Một nghiên cứu mới được công bố trung tuần tháng 8 này trên tạp chí "Current Biology" đã phát hiện ra rằng: nhóm dân tộc thiểu số Ayta Magbukon ở Philippines có mức độ di truyền của chủng người Denisova cao nhất trên thế giới. Kết quả bất ngờ này được các nhà nghiên cứu Philippines và Thụy Điển phát hiện khi phân tích các mẫu ADN của 118 nhóm dân tộc thiểu số tại Philippines khi tiến hành một công trình nghiên cứu về lịch sử con người ở Philippines.

Kết quả cho thấy người dân tộc thiểu số Ayta Magbukon có 5% bộ gen là có nguồn gốc từ chủng người Denisova, cao hơn hẳn so với người bản địa Australia và người Papua với 4%, theo Mattias Jakobsson - nhà di truyền học tại Đại học Uppsala (Thụy Điển), đồng thời là tác giả của nghiên cứu. Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy: một số dân tộc thiểu số tại Đông Á cũng có tổ tiên là người Denisova dù có tỉ lệ di truyền thấp hơn nhiều.

Giải mã bí ẩn lớn nhất về sự tiến hóa của loài người - Ảnh 2.

Các nhà nghiên cứu gặp gỡ một cộng đồng địa phương tại Philippines thông báo về công trình nghiên cứu. (Ảnh: CNN)

Ngày nay, chúng ta vẫn có thể tìm thấy vật liệu di truyền (ADN) của chủng người Denisova ở một số nhóm người trên thế giới. Bởi vì, tổ tiên loài người chúng ta (Homo sapien- Người Hiện đại) đã từng giao phối với người Denisova và sinh con đẻ cái. Sự pha trộn giống loài này đã xảy ra hơn 50.000 năm về trước, khi người Hiện đại rời khỏi Châu Phi và có khả năng đã qua lại với cả người Neanderthal và người Denisova. Nhưng khó xác định một cách chính xác sự tương tác này đã xảy ra ở đâu - đặc biệt là trường hợp của người Denisova.

Điều thực sự khó hiểu là hóa thạch duy nhất về người Denisova đến nay lại chỉ được tìm thấy ở Siberia, Liên bang Nga (ngoại trừ một xương hàm tại cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc có thể thuộc chủng người này). Trong khi các bằng chứng di truyền học đến nay đều chỉ ra rằng người cổ đại tập trung rất gần các vùng đất xa xôi ở phương Nam.

Giải mã bí ẩn lớn nhất về sự tiến hóa của loài người - Ảnh 3.

Phác họa về một thiếu nữ Denisova, dựa trên các đặc điểm xương phân tích từ mẫu DNA cổ đại (Ảnh: Nature.com)

"Sự thật về việc người dân tộc Ayta Magbukon ở Philippines có tỉ lệ di truyền cao nhất của chủng người Denisova so với các khu vực khác trên thế giới là một bất ngờ và gây tò mò cho tôi vì những nghiên cứu trước đây không cho thấy mức độ di truyền cao như thế ở những nhóm người Philippine khác.", chia sẻ của João Teixeira - thành viên của Trung tâm ADN cổ đại thuộc Đại học Adelaide, Australia- người không tham gia nghiên cứu này.

Theo các tác giả, những kết quả này là bằng chứng cho thấy người Denisova đã từng sống ở khắp Châu Á và có nhiều khả năng đã sống ở Philipines rất lâu trước khi người Hiện đại (Homo Sapiens) đến đây. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng các quần thể người Denisova khác nhau đã hòa trộn và sinh sống cùng với người Hiện đại ở nhiều vùng đất và tại nhiều thời điểm khác nhau.

"Nếu kết quả chính xác, thì quá trình loài người đến sinh sống tại Philipines và các khu vực xung quanh thậm chí còn phức tạp hơn chúng ta nghĩ", theo Giáo sư Chris Stinger, Trưởng nhóm nghiên cứu về Nguồn gốc loài người tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở Londonm, người không tham gia công trình nghiên cứu này.

Theo Giáo sư Chris Stinger, "có vẻ như tổ tiên của chúng ta đã tương tác với người Denisova nhiều hơn với người Neanderthal - một chủng người tiền sử sống ở châu Âu và ở một số vùng của châu Á cho đến khoảng 40.000 năm trước đây". 

"Một số nhóm nhỏ người Hiện đại đã giao phối với người Neanderthal ở phía Tây khu vực Âu - Á và sau đó đã di chuyển ngang qua lục địa Âu Á và xa hơn nữa, truyền lại ADN của người Neanderthal cho các nhóm dân cư sau này", cũng theo Giáo sư Chris Stinger. 

 "Trong trường hợp của người Denisova, có vẻ như bộ gen của họ đa dạng và phong phú hơn nhiều, và họ giao phối với nhiều nhóm người tiền sử ở nhiều vùng đất khác nhau; do vậy chúng ta thấy nhiều hình thái di truyền khác nhau của chủng người này vẫn còn đến ngày nay".

Tại sao lại có rất ít hóa thạch của người Denisova?

Việc bộ gen của các chủng người Denisova và Neandertal được giải mã hoàn toàn vào năm 2010 đã cho thấy: hai chủng người này đã có quan hệ sinh sản với tổ tiên người Hiện đại của chúng ta.

Xét nghiệm ADN của những hóa thạch tìm thấy trong hang ở Siberia đã giúp chúng ta có thêm thông tin về người Denisova. Nhưng vẫn chưa rõ tại sao chúng ta còn lại rất ít di tích hóa thạch của người Denisova, ngoài một số yếu tố có thể là lý do. Không giống như Châu Âu, Đông Nam Á không phải là một khu vực được các nhà khảo cổ học nghiên cứu sâu. Ngoài ra, một số địa điểm Đông Nam Á có thể chứa nhiều hóa thạch hiện đã nằm dưới đáy biển.

Một cách trớ trêu, các hóa thạch này cũng có thể bị che giấu ngay trong tầm nhìn của chúng ta, trong các bộ sưu tập của các bảo tàng hoặc các trường đại học nhưng đã bị xác định nhầm vì chúng ta biết rất ít về hình thái của người Denisova. Ngoài ra, những di cốt hóa thạch được tìm thấy ở Trung Quốc hay những nơi khác có thể là của người Denisova nhưng không thể trích xuất ADN để nghiên cứu, trong khi những mẫu vật thường không được bảo quản tốt trong điều kiện thời tiết nhiệt đới. Hoặc có thể là ta đã nhìn ngắm chúng từ lâu nhưng lại coi nó là một thứ khác? Các hóa thạch được khẳng định chính thức như ADN hoặc các protein trong trường hợp này đã chứng minh được rõ thuộc về người Denisova. Nhưng làm sao mà ta có thể phác họa ra hình hài của một người Denisova?

Phát hiện trên cùng với những khám phá gần đây về người cổ đại ở Philipines và Indonesia cho thấy Đông Nam Á có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm nguồn gốc con người.

"Các hòn đảo ở Đông Nam Á vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Nhưng điều này có thể thay đổi trong tương lai do sự quan tâm ngày càng lớn tại khu vực này. Nghiên cứu của chúng tôi cùng với những khám phá gần đây về các chủng người cổ đại là Homo luzonensis và người Homo floresiensis đã đưa các hòn đảo tại Đông Nam Á trở thành điểm thu hút hàng đầu trong các công trình nghiên cứu về lịch sử tiến hóa của loài người", nhận định của Maximilian Larena, nhà nghiên cứu tại Đại học Uppsala, đồng thời là tác giả công trình nghiên cứu trên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước