Chủ nhân Nobel Văn học 2020 Louise Gluck - Nhà thơ của sự cô đơn

Nguyễn Mai (Theo CNN, AFP, Reuters, AP, Independent)-Thứ sáu, ngày 09/10/2020 19:57 GMT+7

VTV.vn - Viện Hàn lâm Thụy Điển đã xướng tên nữ thi sỹ Louise Gluck, người Mỹ, là chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học năm 2020.

Một tâm hồn thơ trong sáng, thấm đẫm nỗi buồn và sự cô đơn

Ủy ban Nobel vinh danh bà Louise Gluck vì "âm điệu đầy chất thơ không thể nhầm lẫn với vẻ đẹp đơn sơ, khiến sự hiện hữu của cá nhân trở thành một nhân cách chung cho tất cả".

Chủ nhân Nobel Văn học 2020 Louise Gluck - Nhà thơ của sự cô đơn - Ảnh 1.

Bà Louise Gluck thời trẻ

Bà Louise Gluck, sinh ngày 22/4/1943 trong một gia đình nhập cư Hungary gốc Do Thái tại New York, Mỹ. Bà từng theo học tại trường Sarah Lawrence College và Đại học Columbia nhưng không tốt nghiệp trường nào trong cả hai. 

Hiện bà đang giảng dạy tại Đại học Yale và làm Chủ tịch Viện Hàn lâm các nhà thơ Mỹ. Đến nay, nữ thi sĩ đang sở hữu 12 tuyển tập thơ và giành nhiều giải thưởng văn chương lớn ở Mỹ, trong đó có Huy chương Nhân văn quốc gia, giải Pulitzer cho thơ, Giải thưởng Sách quốc gia, Giải thưởng của Hội phê bình sách quốc gia, và giải Bollingen. Trong hai năm 2003 và 2004, bà được vinh danh là thi sĩ chính thức đại diện cho nước Mỹ và nền thi ca Mỹ.

Ông Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel về Văn học đã phát biểu trong lễ công bố giải thưởng tại Stockholm, Thụy Điển rằng "Người đoạt giải Nobel Văn học năm nay, bà Louise Gluck đã xuất bản tập thơ đầu tiên vào năm 1968 với tựa đề "Firstborn" và đã sớm được ca ngợi là một trong những nhà thơ nổi bật nhất trong văn học đương đại Mỹ. Bà đã xuất bản 12 tuyển tập thơ và một vài tập tản văn. Tất cả đều có đặc điểm là hướng tới sự trong sáng. Tuổi thơ và cuộc sống gia đình, mối quan hệ gần gũi với cha mẹ và anh chị em luôn là chủ đề gắn liền với những tác phẩm của bà".

Bà Louise Gluck bắt đầu đọc và làm thơ khi còn nhỏ, được khuyến khích bởi cha bà - người mà  bà đã thừa hưởng thiên hướng viết lách.

Bà mắc chứng biếng ăn khi còn học trung học và quyết định bỏ học đại học toàn thời gian để tập trung vào việc điều trị bệnh.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, bà mô tả việc làm thơ "thường là một sự dày vò, một niềm đau khổ, khó chịu". Cảm xúc đó xuất hiện trước khi "một khoảng tĩnh lặng" ùa đến khi bà hoàn thành một tác phẩm.

Những tác phẩm thi ca của bà Louise Gluck thường được mô tả là mang tính tự truyện; đậm cảm xúc và thường xuyên dựa vào những huyền tích, lịch sử hay yếu tố tự nhiên để truyền tải những thông điệp cá nhân về đời sống hiện đại.

Những tác phẩm thơ của bà Louise Gluck còn chất chứa những cung bậc cảm xúc, khát khao và bản thể, với đặc trưng là cách biểu đạt thẳng thắn nỗi buồn và sự cô độc. Giới phê bình nhận xét nữ thi sĩ luôn kiếm tìm cảm hứng và xây dựng "nhân cách thơ" từ những mô típ cổ điển

Chủ nhân Nobel Văn học 2020 Louise Gluck - Nhà thơ của sự cô đơn - Ảnh 2.

Nữ thi sỹ Louise Gluck

Vào buổi sáng nhận được tin về giải thưởng, khi các nhà báo tới phỏng vấn thi sỹ Louise Gluck tại ngôi nhà nhỏ ở Cambridge, bang Massachusetts, bà đang chuẩn bị tới giảng đường. Bà chia sẻ nhanh rằng: "Tôi thấy thật vui mừng và biết ơn vì đã nhận được giải thưởng này. Nhưng rất tiếc, tôi không thể nán lại lâu. Một người tài xế đang chờ tôi ở kia. Anh ấy phải kiếm sống, anh ấy đang làm việc, và tôi không thể bắt anh ấy chờ lâu. Cảm ơn các bạn".

Độc giả Thụy Điển nói về Bông hồng thi ca Mỹ

Trong một hiệu sách nhỏ ở thủ đô Stockholm, nơi những quyển sách chiếm gần hết diện tích, vài người chăm chú theo dõi buổi công bố giải thưởng trên tivi.

Chủ nhân Nobel Văn học 2020 Louise Gluck - Nhà thơ của sự cô đơn - Ảnh 3.

Người dân Stockholm vui mừng và bất ngờ khi nghe tên nữ thi sĩ Mỹ đạt giải thưởng Nobel Văn học. Ảnh AFP

Khi cái tên Louise Gluck được xướng lên, nhiều người đã vỡ òa và reo lên vui sướng. Họ lục tìm trong giá sách một tập thơ của bà, mân mê, ve vuốt. Hóa ra, sách của bà đã vượt đại dương xa xôi, hiện diện trong một hiệu sách ở trời Âu này.

Ông Alexander Freudenthal, chủ hiệu sách Söderbokhandeln tại Stockholm chia sẻ với phóng viên hãng tin AFP ngay sau khi kết quả giải thưởng Nobel Văn học được công bố, rằng "chúng tôi có 4 tuyển tập thơ của bà ấy, hai cuốn tiếng Thụy Điển, hai cuốn tiếng Anh. Sách cũng không có nhiều và chỉ 5 phút là đã hết sạch".

Chủ nhân Nobel Văn học 2020 Louise Gluck - Nhà thơ của sự cô đơn - Ảnh 4.

Ông Alexander Freudenthal cho biết sau khi giải thưởng được công bố, tác phẩm của bà Louise Gluck bán rất chạy. Ảnh AFP

Tại một hiệu sách khác, tiệm Hedengrens, chị Tove Rauscher vừa gói sách cho khách, vừa kiểm lại xem cửa hàng của chị còn bao nhiêu ấn phẩm thơ của "Bông hồng nước Mỹ".

"Chúng tôi vẫn còn một ít tuyển tập thơ của bà Louise Gluck. Tôi vừa liên hệ với nhà xuất bản để đặt thêm", chị Rauscher nói. "Chỗ sách còn lại chắc sẽ đủ để bán trong những ngày tới".

Chủ nhân Nobel Văn học 2020 Louise Gluck - Nhà thơ của sự cô đơn - Ảnh 5.

Ông Victor Lopez Von Unge là một trong những độc giả đầu tiên mua sách của thi sỹ Gluck sau khi bà được xướng tên chủ nhân giải Nobel. Ảnh AFP

Còn với độc giả chưa từng đọc thơ của nữ thi sĩ như ông Victor Lopez Von Unge, thì có lẽ đây là cơ hội để ông tìm hiểu thêm về thi ca Mỹ.

"Tôi rất vui vì một nhà thơ nữ đã đoạt giải. Tôi chưa biết về bà ấy nhưng tôi sẽ tìm tác phẩm của bà để đọc".

Những thành tựu của Nữ thi sĩ Louise Gluck

Chủ nhân Nobel Văn học 2020 Louise Gluck - Nhà thơ của sự cô đơn - Ảnh 6.

Những tác phẩm của bà Louise Gluck. Ảnh Reuters.

Một số tác phẩm nổi bật khác của Louise Gluck có thể kể đến như Meadowlands (năm 1996), The Wild Iris (Hoa diên vĩ dại) năm 1992, đoạt Giải Pulitzer và Giải William Carlos Williams của Hiệp hội thơ ca Mỹ) và The Triumph of Achilles (Khúc khải hoàn của Achilles) năm 1985, đoạt giải của Hội phê bình sách quốc gi và Giải Melville Kane của Hiệp hội thơ ca Mỹ.

Một trong những tác phẩm ghi dấu tên tuổi của nữ thi sĩ là bài thơ đã được dịch sang tiếng Việt với tựa "Một chuyện trẻ con". Sau đây là bản dịch của dịch giả Nguyễn Huy Hoàng:

Một chuyện trẻ con

Chán cuộc sống nông thôn, vua và hoàng hậu
trở lại thành phố, 
tất cả các công chúa nhỏ
ầm ĩ ở đằng sau xe
hát bài hát của hiện hữu:
I am, you are, he, she, it is—
Nhưng sẽ không
có sự chia động từ nào trong xe, ôi không.
Ai có thể nói về tương lai? Chẳng ai biết gì về tương lai,
ngay cả các hành tinh cũng không biết.
Nhưng các cô công chúa sẽ phải sống trong đó.
Ngày trở thành một ngày thật buồn.
Ngoài xe, những đàn bò và đồng cỏ trôi đi;
chúng trông bình thản, nhưng bình thản không phải là sự thật.
Tuyệt vọng mới là sự thật. Đây là cái
mà cha mẹ biết. Mọi hy vọng đã mất.
Chúng ta phải quay lại nơi nó mất
nếu chúng ta muốn tìm lại nó.

Những bê bối khiến giải thưởng Nobel Văn học bị hoãn

Tờ Independent đã thống kê lại một số sự cố khiến giải thưởng Nobel Văn học từng bị hoãn.

Năm 2018, sau khi các cáo buộc lạm dụng tình dục liên quan đến Jean-Claude Arnault, chồng của một thành viên cấp cao trong viện, đã làm rung chuyển Viện Hàn lâm Thụy Điển. Ông Arnault có mối quan hệ khá thân tình với Viện hàn lâm bởi tổ chức mà ông điều hành thường xuyên được Viện hỗ trợ tài chính. Vợ ông Arnault, nhà thơ Katarina Frostenson đồng thời là thành viên chủ chốt của Viện cũng bị cáo buộc tội tham nhũng. 

Sự cố này khiến Viện hàn lâm bị chia sẽ sâu sắc. Hệ quả là đã có nhiều thành viên tuyên bố rời khỏi viện để tảy chay hai vợ chồng ông Arnault, khiến Viện không đủ tối thiểu 12 thành viên vào thời điểm đó để lựa chọn và công bố giải Nobel Văn học. Vụ việc này đã làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của tổ chức này.

Chủ nhân Nobel Văn học 2020 Louise Gluck - Nhà thơ của sự cô đơn - Ảnh 7.

Ông Peter Handke từng gây tranh cãi khi được trao giải thưởng Nobel Văn học 2019. Ảnh. CNN

Năm ngoái, ngoài việc giải thưởng thuộc về nhà văn Peter Handke của Áo, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao thêm giải Nobel Văn học 2018 cho nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk.

Tuy nhiên, giải thưởng Nobel Văn học 2019 của ông Handke đã gây tranh cãi do sự ủng hộ của ông dành cho người người Serbia trong các cuộc chiến tranh tại Balkan.

Một số quốc gia bao gồm Albania, Bosnia và Thổ Nhĩ Kỳ đã tẩy chay lễ trao giải Nobel để phản đối chiến thắng của ông Handke, trong khi một thành viên của ủy ban đề cử các ứng cử viên cho giải thưởng Nobel Văn học đã từ chức.

Mặc dù có những tranh cãi xung quanh giải thưởng Nobel Văn học, Viện hàn lâm Thụy Điển mỗi năm vẫn lựa chọn ra người thắng cuộc dựa theo những tiêu chí được bảo đảm tuyệt đối. Chúng ta sẽ không thể biết nhân vật nào có khả năng đạt giải cho tới khi kết quả chính thức được công bố.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước