Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã bắt đầu chuyến thăm lịch sử tới Cuba. Một trong những vấn đề theo dự đoán sẽ được ông Obama trao đổi với lãnh đạo Cuba và cũng là một trong những vấn đề gai góc nhất mà hai bên cần tháo gỡ để tiến tới bình thường hoá hoàn toàn quan hệ là xem xét giải quyết các yêu cầu bồi thường của bên này với bên kia.
Riviera từng khách sạn sòng bài lớn nhất của Cuba. Chủ khách sạn trước đây là một bố già người Mỹ, hình mẫu cho nhân vật chính trong bộ phim nổi tiếng “Bố già” phần 2. Năm 1959, Cuba đã quốc hữu hoá khách sạn này cùng hàng loạt các tài sản của nhiều nhà tư bản và tập đoàn kinh tế Mỹ. Mãi đến cuối năm ngoái, lần đầu tiên hai bên mới ngồi lại với nhau tại Cuba để đàm phán về chuyện bồi thường thiệt hại do quốc hữu hoá gây ra.
Ông Albel Gonzalez, Tổng biên tập Thông tấn xã Cuba, nói: “Đây là một bước đi lớn, là lần đầu tiên cả hai bên đồng ý ngồi với nhau, thừa nhận rằng vấn đề đó đang tồn tại trong quan hệ giữa hai nước và nói chuyện là cách duy nhất để giải quyết vấn đề đó”.
Tại thủ đô La Habana vẫn còn dấu tích nhiều tài sản của các tập đoàn Mỹ. Khoảng gần 6.000 tập đoàn và cá nhân của Mỹ được cho là có tài sản đã bị quốc hữu hoá sau cuộc cách mạng năm 1959 ở Cuba. Trong đó, giá trị tài sản lớn nhất bị quốc hữu hoá được phía Mỹ tính toán lên tới hơn 1 tỷ USD, gồm cả lãi đến thời điểm hiện tại. Nhưng bồi thường không phải là cách duy nhất để giải những khoản tiền lớn này.
Bà Lenore Adkins, phóng viên theo dõi Cuba, Bloomberg BNA, cho biết: “Những yêu cầu bồi thường lớn nhất đến từ các tập đoàn của Mỹ. Nhưng tôi nghĩ rằng, có thể các tập đoàn này sẽ muốn có được một số ưu tiên trong việc tiếp cận thị trường Cuba sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ hơn là muốn đưa ra yêu cầu được bồi thường”.
Sau cách mạng 1959, Cuba đã quốc hữu hoá tất cả các cơ sở thương mại nước ngoài, không riêng gì của Mỹ và sau đó cũng đã đạt được thoả thuận giải quyết với nhiều nước. Chính quyền Cuba cũng thừa nhận những yêu cầu bồi thường của phía Mỹ. Nhưng việc đàm phán giữa hai bên bị dừng lại sau khi Mỹ dừng cấp hạn ngạch đường cho Cuba vào năm 1960 và áp đặt lệnh cấm vận với nước này.
Ông Pedro Nunez Mosquera, Tổng cục trưởng đa phương và pháp lý, Bộ Ngoại giao Cuba, nói: “Chúng tôi chưa bao giờ nói không với việc đàm phán và tìm giải pháp cho vấn đề này. Nhưng việc đàm phán đó phải đảm bảo tôn trọng chủ quyền của Cuba, phù hợp với luật pháp quốc tế và phải xem xét cả tới những yêu cầu bồi thường của chúng tôi về những thiệt hại mà Cuba phải gánh chịu trong hơn 50 năm qua, trong đó lệnh cấm vận của Mỹ là một nguyên nhân lớn”.