Hơn 438 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 80,66 triệu ca mắc và hơn 976.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn người 15.600 nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ngày 1/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố nghiên cứu cho biết, ước tính có khoảng 140 triệu người dân nước này đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tính đến cuối tháng 1/2022. Nghiên cứu của CDC cho thấy, tỷ lệ cá nhân có kháng thể với COVID-19, được gọi là tỷ lệ huyết thanh, là 43,3% đối với tổng dân số Mỹ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nhiễm bệnh được báo cáo thường xuyên. Dữ liệu cho nghiên cứu được thu thập từ cuối tháng 12/2021 đến cuối tháng 1/2022 và dựa trên các thử nghiệm của gần 72.000 mẫu.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 1/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,93 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn trường 514.000 hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 649.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 28,78 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Pháp đã tiếp tục nới lỏng các quy định phòng dịch, trong đó có việc không yêu cầu đeo khẩu trang tại nhiều địa điểm công cộng. Bắt đầu từ tuần này, khi đến những nơi công cộng như viện bảo tàng, rạp chiếu phim hay nhà hàng, quầy bar, khách hàng chỉ cần trình chứng nhận tiêm chủng mà không cần phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, khẩu trang vẫn là bắt buộc đối với hành khách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Với các trường học nằm trong vùng an toàn hoặc ở các khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh, học sinh có thể bỏ khẩu trang trong giờ ra chơi và tham gia các hoạt động tập thể.
Trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ Phục sinh đang đến gần, Chính phủ Liên bang Đức đang xem xét nới lỏng các quy định nhập cảnh và biện pháp hạn chế để chống dịch nhằm giúp việc đi lại trong và ngoài nước trở nên thuận tiện hơn. Quy tắc đi lại sẽ được nới lỏng kể từ ngày 4/3 tới. Hiện Chính phủ Đức đang đưa ra những quy định thay đổi theo kế hoạch nhằm giúp việc đi và đến nước Đức trở nên dễ dàng hơn. Theo một dự thảo sắc lệnh, những thay đổi sẽ được đưa ra theo các tiêu chí phụ thuộc vào quốc gia đó có bị coi là "rủi ro cao" không.
Trong tương lai, chỉ những quốc gia mà các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnhCOVID-19 có "đặc tính lây lan mạnh hơn" so với biến thể Omicron, hiện đang chiếm đa số các ca mắc COVID-19 ở Đức mới được coi là có nguy cơ cao. Sự thay đổi về tiêu chí này sẽ khiến hầu hết các quốc gia sẽ được đưa khỏi danh sách các khu vực có rủi ro cao.
Một thay đổi nữa là trẻ em dưới 12 tuổi sẽ có thể được xét nghiệm miễn phí ngay sau khi trở về từ khu vực có nguy cơ cao ở nước ngoài và sẽ không phải thực hiện quy định cách ly bắt buộc nếu có kết quả âm tính.
Từ ngày 1/3, Italy đã nới lỏng những hạn chế nhập cảnh đối với tất cả du khách đến từ các nước không thuộc Liên minh châu Âu (EU), cho phép những người có chứng nhận tiêm vaccine, phục hồi từ COVID-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính nhập cảnh vào nước này.
Theo quy định mới, những người đã tiêm vaccine đủ liều được phép nhập cảnh Italy mà không cần phải có thêm kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Trong khi đó, những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng không cần phải cách ly bắt buộc và có thể nhập cảnh khi có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Roberto Speranza cho biết, Chính phủ nước này sẽ xem xét thêm về các hạn chế đi lại trong nước vào ngày 15/3 tới. Sự thay đổi trên sẽ điều chỉnh các quy định nhập cảnh của Italy cho phù hợp với các quy định biên giới thống nhất của EU, bao gồm việc đi lại không bị cách ly cho những người chưa tiêm phòng có kết quả xét nghiệm âm tính.
Italy đã nới lỏng những hạn chế nhập cảnh đối với tất cả du khách đến từ các nước không thuộc EU. (Ảnh: AP)
Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin thông báo, kể từ ngày 3/3, khách du lịch thuộc chương trình Làn đi lại cho những người đã tiêm chủng (VLT), Trung tâm Một cửa (OSC) và những người đến từ Vương quốc Anh sẽ không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trong vòng 1 tuần khi đến Malaysia. Trong khi đó, những du khách thuộc chương trình "Bong bóng Du lịch Quốc tế Langkawi (LITB)" không cần phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR hoặc RTK-Ag trước khi rời hòn đảo này.
Theo ông Khairy, các yêu cầu bắt buộc xét nghiệm COVID-19 bị hủy bỏ, bao gồm việc tự xét nghiệm vào các ngày thứ 2, 4, 6 và xét nghiệm RTK-Ag vào các ngày thứ 3 và 5. Đối với những du khách đến từ Vương quốc Anh, việc tự xét nghiệm hàng ngày trong suốt thời gian cách ly cũng sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia cho biết, yêu cầu về xét nghiệm PCR 2 ngày trước khi khởi hành và ngay khi đến Malaysia vẫn bắt buộc phải có.
Ngày 1/3, số ca mắc COVID-19 mới theo ngày của Hàn Quốc đã lên mức cao nhất từ trước đến nay với trên 176.000 ca trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh trên cả nước. Theo số liệu của giới chức y tế Hàn Quốc và chính quyền địa phương, tính đến 18h ngày 1/3, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm tổng cộng 176.786 ca nhiễm so với một ngày trước, và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, Hàn Quốc đã ghi nhận mức cao nhất theo ngày là 171.442 ca vào ngày 23/2. Số ca nhiễm trong ngày 1/3 dự kiến sẽ còn tăng tiếp do Hàn Quốc sẽ tiếp tục thống kê đến đêm cùng ngày và công bố vào sáng hôm sau.
Cũng trong 24 giờ qua, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 112 ca tử vong do COVID-19, giảm nhẹ so với 114 người một ngày trước đó, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi tại nước này lên 8.170 người. Tỷ lệ tử vong hiện là 0,25%. Số ca mắc COVID-19 nghiêm trọng cũng tăng lên 727 ca trong ngày 1/3, tăng gần 50% so với một tuần trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ nhập viện tại các khoa hồi sức tích cực cũng trên đà tăng, lên mức 48,3% vào đêm 28/2, tăng 0,1% so với một ngày trước đó.
Chính phủ Hàn Quốc dự báo, làn sóng dịch bệnh hiện nay sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 3 với khoảng 250.000 ca nhiễm/ngày khi biến thể Omicron tiếp tục lây lan trên cả nước. Nhằm ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, từ ngày 1/3, Hàn Quốc quyết định tạm dừng áp dụng thẻ thông hành phòng dịch (xác nhận hoàn tất tiêm chủng và xét nghiệm âm tính với COVID-19) tại 11 loại hình cơ sở tập trung đông người như nhà hàng, quán cà phê...
Từ ngày 1/3, Nhật Bản bắt đầu cho phép người nước ngoài nhập cảnh với mục đích không phải du lịch. Trong thời gian đầu, Nhật Bản sẽ xét duyệt nhập cảnh cho các nhu cầu như thương mại, du học, thực tập. Số lượng người được xét duyệt nhập cảnh mỗi ngày là 5.000 người.
Nhật Bản yêu cầu giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 có hiệu lực trong 72 giờ trước khi nhập cảnh. Hành khách đến từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nơi mà tình hình dịch ổn định, đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 3 sẽ không phải thực hiện bất cứ biện pháp cách ly nào.
Hong Kong đang cân nhắc việc đóng cửa khi số trường hợp lây nhiễm hàng ngày vượt ngưỡng 34.000 ca. (Ảnh: AP)
Giới chức y tế đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo không loại trừ khả năng áp dụng phong tỏa toàn thành phố trong tháng 3 tới. Thông báo được đưa ra khi đặc khu này ghi nhận hơn 34.000 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, việc phong tỏa sẽ giúp chiến dịch xét nghiệm toàn diện bắt buộc nhằm sàng lọc COVID-19 đạt được hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, việc áp đặt hạn chế đi lại, yêu cầu người dân tránh ra ngoài khi không thực sự cần thiết sẽ giúp giảm số ca mắc mới.
Nhiều người dân Hong Kong đã đổ xô đến các siêu thị, mua sạch thực phẩm do lo ngại, việc xét nghiệm toàn dân vào tháng 3 này có thể khiến họ phải cách ly, cũng như tin đồn về lệnh phong tỏa diện rộng. Những kệ hàng trống trơn không còn chút thực phẩm nào là hình ảnh quen thuộc tại hầu hết các siêu thị của Hong Kong (Trung Quốc) lúc này. Dù chính quyền đã yêu cầu người dân hãy bình tĩnh, không ít người vẫn đổ xô đi mua thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu để tích trữ. Lệnh xét nghiệm COVID-19 bắt buộc sẽ bắt đầu sau ngày 17/3 tới, làm dấy lên lo ngại nhiều người sẽ bị buộc phải cách ly. Hong Kong (Trung Quốc) sẽ tổng xét nghiệm 7,4 triệu dân 3 lần trong 9 ngày.
Ngày 1/3, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, trong 24 giờ qua, thành phố này đã ghi nhận 32.597 ca mắc mới và 117 người tử vong do COVID-19. Đến nay, Hong Kong đã ghi nhận tổng cộng hơn 205.700 ca mắc COVID-19, trong đó có tới 160.000 trường hợp được ghi nhận từ đầu tháng 2 trong làn sóng do biến thể Omicron gây ra.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh tiểu đường và các biến chứng của tiểu đường (JDC) cho thấy, COVID-19 có thể là nguyên nhân chính dẫn đến khởi phát bệnh tiểu đường ở nhiều bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 . Tuy nhiên, tình trạng này có thể chỉ là tạm thời.
Trong nghiên cứu do Tiến sĩ Sara Cromer thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) dẫn đầu, các nhà khoa học đã khảo sát 1.902 bệnh nhân từng nhập viện vì COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9/2020 và phát hiện thấy có 594 trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Có 13% bệnh nhân trong số đó không có tiền sử bệnh tiểu đường. Nghiên cứu phát hiện những bệnh nhân COVID-19 mới mắc tiểu đường là những bệnh nhân có thời gian nằm viện điều trị COVID-19 lâu hơn và có nguy cơ phải điều trị tại các khu vực chăm sóc đặc biệt (ICU).
Nhóm nghiên cứu tin rằng, tình trạng viêm do COVID-19 gây ra có thể là nguyên nhân chính làm khởi phát bệnh tiểu đường ở người bệnh. Tuy nhiên, Tiến sĩ Cromer đề cập tới khả năng COVID-19 có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh tiểu đường mới được phát hiện ở một số bệnh nhân. Thay vào đó, những bệnh nhân này có thể bị tiểu đường trước khi nhiễm virus SARS-CoV-2 và đã được phát hiện trong quá trình điều trị COVID-19.
Do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao, các nhà khoa học và người dân đều đang băn khoăn về nguy cơ tái nhiễm biến thể này. Theo tạp chí Newsweek, dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, hay còn gọi là "Omicron tàng hình" đã được phát hiện tại tất cả 50 bang của nước Mỹ và đây cũng là biến thể đang khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quan ngại.
Các nghiên cứu cho thấy, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 30% so với biến thể gốc BA.1. Mặc dù mọi người đều có nguy cơ nhiễm biến thể Omicron nhiều hơn một lần, các nhà khoa học cho rằng, các ca tái nhiễm nhiều khả năng liên quan đến biến thể phụ BA.2 hơn là biến thể gốc BA.1. Bên cạnh đó, tải lượng virus trong những ca tái nhiễm biến thể BA.2 thường thấp hơn những người lần đầu nhiễm biến thể gốc BA.1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!