Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 8/2021, chính quyền Taliban đã cấm các bé gái và phụ nữ đến trường trung học và đại học, cấm họ đến công viên, hội chợ, khi vui chơi giải trí và phòng tập thể dục thể thao, đồng thời ra lệnh cho họ phải che kín người và mặt ở nơi công cộng.
Vào tháng 6, lệnh cấm thẩm mỹ viện đã được ban hành, buộc hàng nghìn tiệm làm đẹp do phụ nữ điều hành trên toàn Afghanistan phải đóng cửa. Các thẩm mỹ viện này thường là nguồn thu nhập duy nhất của các hộ gia đình kinh doanh tiệm làm đẹp, đồng thời cắt đứt một trong số ít cơ hội còn lại để phụ nữ Afghanistan được giao lưu khi ra khỏi nhà.
Tuần trước, các nhân viên an ninh Taliban đã bắn chỉ thiên và sử dụng vòi rồng ở Kabul để giải tán đám đông phụ nữ phản đối lệnh cấm.
Vào cuối tháng 6, Bộ Khuyến khích Đức hạnh và Phòng chống tệ nạn Afghanistan đã cho phép các tiệm làm đẹp mở cửa cho đến ngày 24/7, nói rằng thời gian gia hạn nhằm cho phép họ tiêu thụ hết hàng trong kho.
Chính quyền Taliban cho biết đã ra lệnh cấm này vì những khoản tiền xa hoa dành cho việc trang điểm gây khó khăn cho các gia đình nghèo, và một số phương pháp điều trị tại các thẩm mỹ viện là không theo đạo Hồi.
Các chuyên gia làm đẹp Afghanistan đóng cửa thẩm mỹ viện của họ ở Kabul, Afghanistan, ngày 24/7. (Ảnh: Reuters)
Bộ trên khẳng định, việc trang điểm quá đậm khiến phụ nữ Afghanistan không thể tẩy trang đúng cách để cầu nguyện, trong khi việc nối mi và nối tóc cũng bị cấm.
Các tiệm làm đẹp đã "mọc lên như nấm" trên khắp Kabul và các thành phố khác của Afghanistan trong 20 năm các lực lượng do Mỹ đứng đầu hiện diện ở nước này. Các thẩm mỹ viện được coi là nơi an toàn để tụ tập và giao lưu cách xa nam giới, đồng thời mang đến cơ hội kinh doanh quan trọng cho phụ nữ Afghanistan.
Hàng nghìn nữ nhân viên chính phủ hoặc bị mất việc làm khi Taliban tiếp quản hoặc được trả tiền để ở nhà. Và lệnh cấm thẩm mỹ viện sẽ khiến 60.000 phụ nữ khác bị mất thu nhập từ công việc tại khoảng 12.000 thẩm mỹ viện, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Phụ nữ Afghanistan.
Báo cáo của Richard Bennett, báo cáo viên đặc biệt về Afghanistan, gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng 6, cho biết, hoàn cảnh của phụ nữ và trẻ em gái ở nước này "là một trong những điều tồi tệ nhất trên thế giới".
Ông Bennett nói: "Sự phân biệt đối xử nghiêm trọng, có hệ thống và được thể chế hóa đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan là trung tâm của hệ tư tưởng và quy tắc của Taliban, điều này cũng làm nảy sinh mối lo ngại rằng họ có thể phải chịu trách nhiệm cho sự phân biệt giới tính".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!