Trong khi chính phủ các nước châu Âu đang gấp rút tăng tích trữ khí đốt và giảm sử dụng nhiên liệu thì nỗ lực ứng phó với giá cả tăng cao của Chính phủ Anh gặp cản trở do cuộc đua tranh chức Thủ tướng thay thế ông Boris Johnson.
Trước khi danh tính của người kế nhiệm ông Johnson được công bố vào ngày 5/9 tới, hàng triệu hộ dân Anh vẫn phải tiếp tục vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Vợ chồng anh Matthew Greenwood là giáo viên đang sinh sống tại xứ Wales, họ có hai con nhỏ. Chi phí sinh hoạt liên tục tăng cao khiến anh rất lo lắng. "Liệu chúng tôi có còn đủ tiền vào cuối tháng để mua thức ăn cho lũ trẻ không. Liệu có đủ tiền trong tài khoản để đổ xăng cho xe hơi không. Và liệu có đủ tiền để trả cho các hóa đơn cần thanh toán vào cuối tháng không… Những điều này khiến chúng tôi rất lo lắng".
Theo một khảo sát mới được công bố, khoản nợ hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng Anh đã lên mức kỷ lục. Gần 1/4 số hộ gia đình nợ các nhà cung cấp điện và khí đốt hơn 200 bảng Anh, tương đương hơn 5.800 nghìn VNĐ. Nước Anh đang chuẩn bị cho kịch bản giá năng lượng có thể tăng thêm 70% trong tháng 10 tới. Một số tổ chức cảnh báo, hàng triệu người có thể bị đẩy vào cảnh đói nghèo nếu không có các chính sách kịp thời để giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt.
Hai ứng cử viên cho vị trí tân Thủ tướng Anh đang chịu sức ép phải đưa ra giải pháp cho tình trạng này. Hiện cả hai đang có những bất đồng trong giải pháp. Nếu như Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss thiên về việc nhanh chóng cắt giảm thuế, thì ưu tiên số 1 của cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak lại là giải quyết vấn đề lạm phát, quyết tâm không để tình hình tệ hơn trước khi tính đến việc giảm thuế.
Việc chi tiêu trở thành bài toán hóc búa với nhiều hộ gia đình Anh.
Ông Rishi Sunak - Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh: "Có một sự khác biệt rất lớn giữa đề xuất của tôi là hỗ trợ tạm thời, có mục tiêu, kịp thời để đối phó với một thách thức cụ thể, so với những gì bà Liz Truss đang đề xuất, đó là khoản vay thêm trị giá 50 tỷ bảng, không chỉ trong năm nay mà còn hàng năm, chủ yếu dành cho các công ty rất lớn và những người giàu có".
Bà Liz Truss - Bộ trưởng Ngoại giao Anh: "Ngay sau khi nhậm chức, tôi sẽ giảm thuế và cũng sẽ ban hành một lệnh tạm ngừng thu thuế năng lượng xanh để giúp người dân giảm bớt chi phí nhiên liệu. Điều quan trọng là chúng ta cần phát triển nền kinh tế, chúng ta không thể đưa nền kinh tế phát triển nếu cứ để mức thuế cao nhất trong 70 năm qua ở đất nước này".
Tháng 5 vừa qua, Chính phủ Anh đã áp dụng mức thuế 25% đối với lợi nhuận của các nhà sản xuất dầu khí, giúp cung cấp một gói hỗ trợ cho các hộ gia đình. Song, sau đó giá khí đốt bán buôn đã tăng hơn gấp đôi.
Xu hướng sử dụng tiền mặt của người dân Anh
Áp lực chi phí sinh hoạt không chỉ khiến người dân Anh phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm những khoản chi tiêu không thiết yếu. Để thuận tiện cho việc kiểm soát chi tiêu, người Anh còn có xu hướng quay lại sử dụng tiền mặt nhiều hơn thay vì dùng thẻ ngân hàng.
Tiền mặt từng là phương thức thanh toán duy nhất tại những cửa hàng bán thịt, nhưng với những tiến bộ công nghệ, cùng với khuyến khích thanh toán không tiếp xúc trong thời kỳ dịch bệnh, ông Thomas Mcglynn - Chủ cửa hàng thịt đã thích nghi với thanh toán thẻ hoặc kỹ thuật số. Giờ đây, ông nhận thấy lại có nhiều người muốn dùng tiền mặt. "Năm ngoái, trong thời gian dịch bệnh, người ta trả bằng thẻ nhiều, nhưng trong vòng 6-8 tháng qua, việc sử dụng tiền mặt đang phổ biến trở lại".
Lạm phát khiến người Anh có xu hướng quay lại sử dụng tiền mặt nhiều hơn thay vì dùng thẻ ngân hàng.
Một nghiên cứu của Bưu điện Anh cho thấy ngày càng có nhiều người sử dụng tiền mặt để quản lý chi tiêu khi giá cả tăng ở Anh. Rút tiền mặt cá nhân từ Bưu điện Vương quốc Anh đã tăng gần 8% trong tháng trước, lên 801 triệu bảng Anh.
Ông Martin Kearsley - Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Anh: "Điều này cho thấy người dân Anh ngày càng phụ thuộc nhiều vào tiền mặt cho việc chi tiêu hàng ngày".
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh đã công bố đợt tăng lãi suất lớn nhất trong gần 3 thập kỷ. Ngân hàng này cũng cảnh báo nước Anh có nguy cơ rơi vào suy thoái do giá năng lượng tăng cao chưa từng thấy, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong 40 năm qua. Việc chi tiêu trở thành bài toán hóc búa với nhiều hộ gia đình Anh. Trên một con phố kinh doanh ở North Lanarkshire, nhiều người cho biết họ thích sử dụng tiền mặt để mua sắm hơn.
Bà Natalie Ceeney - Chủ tịch Tập đoàn Cash Action: "Nếu bạn có thể nhìn thấy tiền trước mặt mình thì việc kiểm soát chi tiêu sẽ dễ dàng hơn. Khi dùng thẻ thanh toán, chúng ta không thực sự thấy được số tiền mình đã tiêu mất".
Dù số lượng chi nhánh ngân hàng trên khắp Vương quốc Anh có sụt giảm, các máy ATM vẫn duy trì hoạt động. Chỉ tính riêng trong tháng 7 vừa qua, hơn 3,3 tỷ bảng Anh tiền mặt đã được gửi và rút từ các chi nhánh của Ngân hàng Bưu điện. Đây là lần đầu tiên con số này vượt mốc 3,3 tỷ bảng trong một tháng.
Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) và cựu Thủ tướng Gordon Brown mới đây đã thúc giục Chính phủ Anh đề ra kế hoạch hỗ trợ cho các gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt. CBI và ông Brown đều cho rằng nước Anh không thể cứ trông chờ vào một nhà lãnh đạo mới, mà cần hành động ngay trước khi vấn đề có thể lên tới tình trạng khẩn cấp quốc gia. Trong khi đó, người phát ngôn của ông Boris Johnson cho biết, nhà lãnh đạo sắp tới của Anh sẽ là người quyết định liệu có cần tiến hành hỗ trợ thêm hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!