Hàng triệu liều vaccine COVID-19 bị bỏ phí trên thế giới

Huệ Anh-Chủ nhật, ngày 15/08/2021 14:10 GMT+7

VTV.vn - Những khó khăn trong khâu hậu cần cũng như một số các thủ tục pháp lý khác chính là nguyên nhân vì sao vaccine COVID-19 khó có thể được cho đi.

Hơn 90 hộp vaccine AstraZeneca trị giá hàng nghìn USD đang được cấp đông trong một cơ sở y tế tại thị trấn Leiden, Hà Lan. Thay vì được phân phát tới tay người dân, những liều vaccine này lại đang bị bỏ phí và mất dần giá trị, bởi hầu hết sẽ sớm hết hạn vào tháng 8.

Đối với ông Dennis Mook-Kanamori, một bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế Đại học Leiden, việc hàng nghìn liều vaccine quý giá sắp hết hạn sử dụng là một điều gì đó thật bi thảm, trong khi nhiều quốc gia nghèo khác vẫn còn đang vật lộn để có được vaccine. Điều khiến ông bất bình hơn cả là chính phủ Hà Lan lại quyết định giữ lại những liều thuốc sắp hết hạn thay vì chia sẻ chúng với những nước thực sự cần.

"Đó là một việc làm vô đạo đức" - ông Mook-Kanamori bày tỏ.

Thị trấn Leiden không phải nơi duy nhất chứng kiến tình trạng vaccine COVID-19 bị bỏ phí. Trong bối cảnh hàng triệu lọ vaccine được sản xuất với tốc độ lớn chưa từng thấy và nhu cầu đối với chúng dần bão hoà tại các quốc gia giàu có như Hà Lan, việc ngày càng nhiều vaccine COVID-19 bị bỏ phí là điều dễ hiểu.

Hàng triệu liều vaccine COVID-19 bị bỏ phí trên thế giới - Ảnh 1.

Số lượng vaccine bị bỏ phí tại Hà Lan có thể lên tới 10.000 liều vào tháng 10 năm nay (Nguồn: The Washington Post)

Tháng trước, cơ sở y tế nơi ông Mook-Kanamori làm việc đã phải vứt bỏ 600 liều vaccine. Đến cuối tháng 8, con số này tiếp tục tăng thêm 8.000 liều, thậm chí có thể chạm mốc 10.000 liều vào tháng 10 năm nay. Người ta ước tính 200.000 liều vaccine AstraZeneca khác tại Hà Lan cũng mang số phận tương tự.

Hiện phần lớn người dân tại những quốc gia kém phát triển đều chưa được tiêm vaccine COVID-19, ngay cả khi họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi virus SARS-CoV-2, chẳng hạn như người dân châu Phi. Tính đến cuối tháng 7, chỉ có hơn 2% dân số nước này được tiêm ít nhất một liều, trong khi Hà Lan đã chủng ngừa thành công cho hơn 1 nửa dân số. Điều này càng khiến nhiều chuyên gia y tế tại Hà Lan phẫn nộ trước tình trạng thuốc bị bỏ phí, ngay cả khi chính phủ nước này cho biết vì lý do pháp lý và hậu cần nên không thể chia sẻ hay xuất khẩu vaccine.

Hàng triệu liều vaccine COVID-19 bị các nước bỏ phí

Thực tế, khi các quốc gia triển khai chương trình tiêm chủng quy mô lớn, lượng vaccine bị bỏ phí cũng tăng lên một cách đáng kinh ngạc, điển hình như tại Mỹ. Thống kê từ 10 bang cho thấy quốc gia này đã lãng phí hơn một triệu liều vaccine kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng 12/2020. Trong đó, bang Georgia đã tiêu huỷ hơn 110.000 liều vaccine COVID-19. 370.000 là số lượng vaccine bị giới chức Ohio thông báo không thể sử dụng. Khoảng 50.000 liều vaccine ở Maryland cũng không được dùng tới.

Trước tình trạng trên, quan chức y tế các tiểu bang đã lên tiếng cảnh báo, sẽ còn nhiều liều vaccine COVID-19 hết hạn hơn nữa trước khi chúng được sử dụng do nhu cầu chủng ngừa của người Mỹ không còn ở mức đỉnh như những tháng trước.

Hàng triệu liều vaccine COVID-19 bị bỏ phí trên thế giới - Ảnh 2.

Sẽ còn nhiều liều vaccine COVID-19 hết hạn hơn nữa tại Mỹ trước khi chúng được sử dụng do nhu cầu chủng ngừa của người dân không còn ở mức đỉnh (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, các vấn đề trong khâu bảo quản, vận chuyển, hay việc các mũi tiêm đã được chuẩn bị sẵn nhưng người dân không đến như lịch hẹn cũng là một trong những nguyên nhân khiến vaccine bị bỏ phí tại Mỹ. Theo thống kê của tờ The New York Times, lượng vaccine bị lãng phí không quá 2% tổng số vaccine Mỹ nhận được.

Tuy nhiên, theo ông Prashant Yadav, chuyên gia y tế thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu, số lượng vaccine thực tế bị bỏ phí là khó có thể xác định chính xác do chúng không được theo dõi có hệ thống và nếu có cũng ít được công bố rộng rãi. Ước tính hồi đầu tháng này, giới chức Israel phải hủy 80.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech sắp hết hạn.

Ba Lan cũng phải xử lý 73.000 liều vaccine từ nhiều nhà sản xuất khác nhau. 160.000 liều Sputnik V sắp hết hạn được Slovakia trao trả cho Nga, trong khi tại Mỹ, chỉ tính riêng bang Bắc Carolina đã có tới 800.000 liều vaccine sắp hết giá trị sử dụng. Tính đến ngày 9/8, số lượng vaccine hết hạn tại châu Phi cũng đã lên sát mốc 470.000 liều.

"Hầu hết trong số chúng đều có hạn sử dụng rất ngắn" - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Phi cho biết.

Hàng triệu liều vaccine COVID-19 bị bỏ phí trên thế giới - Ảnh 3.

Giới chức Israel phải hủy 80.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech sắp hết hạn hồi đầu tháng 8 (Nguồn: Reuters)

Vaccine bị bỏ phí đồng nghĩa với hàng triệu USD bị "ném qua cửa sổ". Với một số loại vaccine có giá lên tới 20 USD một mũi tiêm, con số thiệt hại có thể lên tới hàng chục triệu USD. Ông Lawrence Gostin, giáo sư thuộc Đại học Georgetown, Mỹ cho biết: "Vaccine đang sắp hết hạn sử dụng. Chúng bị hỏng do điều kiện bảo quản không đủ nên sẽ không được chuyển đến tay người dân. Đây là một thảm họa".

Vì sao vaccine COVID-19 nhanh hết hạn sử dụng?

Theo ông Jesse Goodman, giáo sư thuộc Trường Y khoa Georgetown, Mỹ, vaccine thường nhanh bị hỏng hơn nhiều loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc cảm Tamiflu. Trong đó, những loại vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp thường chỉ có hạn sử dụng rất ngắn trong khoảng 6 tháng. Khi hết hạn sử dụng, chúng cũng mất dần khả năng tạo phản ứng miễn dịch cho cơ thể, đặc biệt là những loại vaccine được phát triển theo cơ chế mRNA như Pfizer-BioNTech hay Moderna.

Hàng triệu liều vaccine COVID-19 bị bỏ phí trên thế giới - Ảnh 4.

Tỷ lệ lãng phí vaccine thường có thể lên tới 10%, thậm chí là cao hơn rất nhiều (Nguồn: Reuters)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khả năng vaccine bị bỏ phí "có thể lường trước và né tránh". Tỷ lệ lãng phí chỉ nên ở mức dưới 1%. Tuy nhiên, mục tiêu trên được cho là thách thức đối với giới chức toàn cầu, bởi thực tế, dựa trên dữ liệu do liên minh vaccine toàn cầu Gavi tổng hợp, tỷ lệ lãng phí vaccine thường có thể lên tới 10%, thậm chí là cao hơn rất nhiều.

Chia sẻ hay bỏ phí?

Marco Blanker, một bác sĩ tại thị trấn Zwolle, Hà Lan cho biết ông đã từng phải vứt bỏ 58 liều vaccine chỉ trong một ngày khi nhiều người dân không đến điểm tiêm chủng như đã hẹn.

"Đây là một tổn thất lớn. Chúng tôi đã rất cố gắng trong nhiều tuần trước đó để không lãng phí bất kỳ giọt vaccine nào".

Hình ảnh chụp những liều thuốc bị vứt bỏ đã được bác sĩ Blanker đăng tải trên Twitter. Dư luận ngay sau đó đã dậy sóng. Nhiều cuộc tranh cãi đã diễn ra trên khắp các trang mạng xã hội trong bối cảnh nhu cầu tiêm vaccine tại Hà Lan dần đi ngang, còn AstraZeneca được khuyến cáo chỉ dùng cho một số nhóm tuổi nhất định.

Hàng triệu liều vaccine COVID-19 bị bỏ phí trên thế giới - Ảnh 5.

Những khó khăn trong khâu hậu cần cũng như các thủ tục pháp lý khác chính là nguyên nhân vì sao vaccine khó có thể được cho đi (Nguồn: Reuters)

Blanker và các bác sĩ khác như Mook-Kanamori sau đó đã bắt đầu tìm kiếm những nước thực sự cần vaccine và quyết định sẽ chia sẻ chúng thông qua một ứng dụng phân phối. Namibia, quốc gia Tây Phi vốn đang vật lộn với tình trạng khan hiếm vaccine, có vẻ là điểm đến lý tưởng của nhóm bác sĩ này. Nhiều người tuyên bố họ sẵn sàng tự đem vaccine đến Namibia để giúp đỡ phần nào cho hệ thống y tế vốn đang gặp rất nhiều khó khăn này. Tuy nhiên, chính phủ Hà Lan vẫn giữ vững quan điểm: Vaccine phải được tiêu huỷ ngay khi chúng hết hạn sử dụng.

Nhiều người cho rằng việc không chia sẻ tất cả số vaccine không cần tới là điều khó hiểu. Tuy nhiên, những khó khăn trong khâu hậu cần, điều kiện nghiêm ngặt về nhiệt độ trong quá trình vận chuyển cũng như các thủ tục pháp lý khác chính là lời giải đáp thoả đáng cho câu hỏi vì sao vaccine khó có thể được cho đi.

Lấy ví dụ từ Mỹ. Thông thường, hợp đồng mua bán vaccine COVID-19 sẽ có điều khoản miễn trách nhiệm pháp lý đối với bên sản xuất trong trường hợp xảy ra sự cố khi tiêm. Nhưng nếu Mỹ chia sẻ vaccine cho một quốc gia thứ ba, thoả thuận miễn trách nhiệm pháp lý sẽ phức tạp hơn. Điều này lý giải vì sao Mỹ phải bỏ phí hàng triệu liều vaccine COVID-19 mà không thể cho những nước khác.

Thời gian triển khai tiêm vaccine không đủ

Tuy nhiên, ngay cả khi những liều vaccine COVID-19 được chuyển đến tay những quốc gia nghèo khó, tốc độ tiêm chủng tại đây vẫn khó có thể được cải thiện do hạn sử dụng vaccine tương đối ngắn. Tại châu Phi, sự chậm trễ trong quá trình vận chuyển vaccine đồng nghĩa với việc giới chức nước này sẽ có ít thời gian triển khai tiêm chủng hơn - kế hoạch vốn phải kéo dài ít nhất từ 3 đến 4 tháng.

Hàng triệu liều vaccine COVID-19 bị bỏ phí trên thế giới - Ảnh 6.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA tăng thời gian sử dụng đối với vaccine COVID-19 của hãng dược Johnson & Johnson (Nguồn: Reuters)

Liberia chỉ có 15 ngày để phân phối hàng chục nghìn liều vaccine AstraZeneca từ Liên minh châu Phi. Khoảng 27.000 liều sau đó đã hết hạn. Bộ trưởng Y tế Wilhemina Jallah cho biết: "Chúng tôi không có đủ thời gian để vận chuyển". Benin cũng phải tiêu huỷ 51.000 liều vaccine hồi tháng 7 sau 3 tháng vật lộn phân phối đến tay người dân.

Tại Malawi, gần 20.000 liều vaccine AstraZeneca hết hạn đã bị tiêu huỷ. Theo quan chức địa phương, động thái này chính là lời tuyên bố sâu sắc gửi tới người dân, rằng họ sẽ không phải nhận những liều vaccine đã hết giá trị sử dụng. Chính quyền một số khu vực, chẳng hạn như Palestine, thậm chí còn từ chối nhận những liều vaccine sắp hết hạn.

Để giải quyết bài toán bỏ phí vaccine, tháng trước, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA đã tăng thời gian sử dụng đối với vaccine COVID-19 của hãng dược Johnson & Johnson. ​Thời gian sử dụng vaccine Sputnik V cũng được điều chỉnh từ sáu tháng lên một năm để giảm tối đa tình trạng vaccine bị tiêu huỷ. COVAX, cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu theo đó cũng được kỳ vọng có thể nhanh chóng chuyển vaccine COVID-19 đến tay những quốc gia đang thực sự cần trước khi những mũi tiêm này mất đi giá trị sử dụng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước