Hàng triệu người lao động bị tổn thương do nắng nóng

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 26/04/2024 21:09 GMT+7

VTV.vn - Nắng nóng gay gắt khiến những người lao động ngoài trời hơn ai hết phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường, công việc mưu sinh cũng thêm phần vất vả.

Khoảng 2,4 tỷ người lao động toàn cầu (hơn 70% lực lượng lao động) phải làm việc trong nắng nóng vượt ngưỡng chịu đựng, tăng 35% trong 2 thập niên qua.

Mỗi năm có gần 23 triệu trường hợp bị tổn hại sức khỏe và khoảng 19.000 ca tử vong do làm việc trong điều kiện khắc nghiệt này.

Đó là chưa kể hơn 26 triệu người sống chung với các bệnh mãn tính liên quan tới các điều kiện nhiệt độ bất lợi ở nơi làm việc.

Ông Boonsri Waenkaew, một người lái xe ôm tại Thái Lan, cho biết: "Mấy hôm nay khi làm việc ngoài trời, tôi cảm thấy gần như muốn ngất đi nhưng tôi không có lựa chọn nào cả".

Chị Buppha Nakhin, người bán hàng rong tại Thái Lan, nói: "Đôi khi tôi cảm thấy chóng mặt rồi phải uống nước mát để hạ nhiệt. Tôi phải chọn nơi có nhiều bóng râm để bán đồ ăn".

Ông Yakub Ali, người lái xe kéo tại Bangladesh, than phiền: "Nắng nóng kinh khủng. Hôm nay tôi hầu như không thể lái xe kéo được. Cứ hai chuyến tôi lại phải nghỉ ngơi và uống nước".

Ông Harunur Rashid, một người lái xe kéo tại Bangladesh, cho biết: "Vì nắng nóng nên tôi gần như không mở nổi mắt. Không thể làm việc được trong bối cảnh này".

Anh Monirul Islam, người lái xe chở rau, cho biết: "Các nguyên liệu như rau củ bị thối hết do nhiệt độ cao quá. Thậm chí chúng tôi còn nóng như bị luộc chín trong cabin xe tải".

Hàng triệu người lao động bị tổn thương do nắng nóng - Ảnh 1.

(Ảnh: Internet)

Đó là những gì mà người lao động ngoài trời tại Thái Lan và Bangladesh đang phải trải qua những ngày này. Nhưng vì miếng cơm manh áo, họ buộc phải tiếp tục công việc của mình bất chấp những tác hại đối với sức khoẻ.

Bà Manal Azzi, chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho rằng: "Đây là một vấn đề lớn. Người lao động thường bị lãng quên khi nhắc đến vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, họ lại đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Hàng triệu người đang phải chung sống với các bệnh mãn tính, rồi bệnh tim mạch, hô hấp, ung thư, các bệnh liên quan đến sức khoẻ tâm thần và cả các vấn đề khác liên quan đến phơi nhiễm mà họ phải đối mặt".

Dự báo cho thấy đến năm 2030, 2,2% tổng số giờ làm việc trên thế giới sẽ bị mất do nhiệt độ cao. Nông nghiệp và xây dựng là hai trong số những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đó là lao động trong các ngành dịch vụ môi trường, thu gom rác, dịch vụ khẩn cấp, công việc sửa chữa, vận chuyển, du lịch, thể thao và một số ngành công nghiệp.

Trong số nhóm dễ bị tổn thương nhất, người lao động tại các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp dự kiến sẽ phải chịu đựng nhiều tổn thất, chủ yếu là do họ có ít nguồn lực hơn để thích nghi với hệ quả của hiện tượng nhiệt độ tăng.

Trước thực trạng này, ILO nhấn mạnh các nước cần đánh giá lại quy định hiện hành hoặc đưa ra các quy định mới bảo vệ người lao động một cách phù hợp trong môi trường biến đổi khí hậu, để bảo đảm quyền cơ bản của người lao động được làm việc trong môi trường an toàn và lành mạnh.

Các nước châu Á ứng phó nắng nóng gay gắt Các nước châu Á ứng phó nắng nóng gay gắt

VTV.vn - Trong bối cảnh nhiệt độ tiếp tục gia tăng, nhiều nước châu Á đã có những biện pháp chủ độ ứng phó với nắng nóng gay gắt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước