Ngay cả những người không bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi lần đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn bị suy yếu, với các triệu chứng dai dẳng như khó thở và rối loạn chức năng nhận thức.
Hơn 500 bệnh nhân đã được đưa vào nghiên cứu SAGE, 62% trong số họ bị suy giảm nội tạng sáu tháng sau chẩn đoán ban đầu về COVID-19. Sáu tháng sau, những bệnh nhân này được chụp cộng hưởng từ, cho thấy mức độ lâu dài của các vấn đề sức khỏe của họ.
Kết quả trên, đã được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoàng gia Anh, cho thấy, 59% bệnh nhân COVID-19 kéo dài vẫn gặp vấn đề với một cơ quan và 29% với nhiều cơ quan nội tạng. Chỉ 13% những người tham gia nghiên cứu phải điều trị tại bệnh viện khi được chẩn đoán mắc COVID-19 lần đầu tiên.
Tuy nhiên, đã có sự giảm bớt các triệu chứng từ 6 đến 12 tháng. Số người bị khó thở nặng giảm từ 38% xuống 30%, rối loạn chức năng nhận thức từ 48% xuống 38% và các tình trạng sức khỏe kém khác ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ giảm từ 57% xuống 45%.
Amitava Banerjee, giáo sư khoa học dữ liệu lâm sàng tại Viện Tin học Y tế UCL, cho biết, tác động đến chất lượng cuộc sống là mối quan tâm lớn, đặc biệt là đối với các nhân viên y tế. Gần 1/3 số người tham gia nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Giáo sư Banerjee cho biết: "Nhiều nhân viên y tế trong nghiên cứu của chúng tôi không có bệnh trước đó. Tuy nhiên, trong số 172 người tham gia như vậy, 19 người vẫn có triệu chứng khi theo dõi và nghỉ việc sau trung bình 180 ngày".
"Suy giảm nội tạng trong thời gian mắc COVID-19 kéo dài có tác động đối với các triệu chứng, chất lượng cuộc sống và sức khỏe lâu dài, báo hiệu sự cần thiết phải phòng ngừa và chăm sóc tổng hợp cho những bệnh nhân COVID-19 kéo dài", bà Banerjee nói thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!