Hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh có thể là nguyên nhân dẫn đến các ca bệnh COVID-19 (Nguồn: Los Angeles Times)
Một loạt các nghiên cứu gần đây cho thấy, virus SARS-CoV-2 dường như làm rối loạn hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể không thể sắp xếp các tế bào và phân tử phù hợp để chống lại kẻ xâm lược (virus SARS-CoV-2). Thay vào đó, cơ thể người bệnh phóng ra toàn bộ kho vũ khí - một phản ứng sai lầm có thể tàn phá các mô vốn đang khỏe mạnh.
Akiko Iwasaki, một nhà miễn dịch học tại Đại học Yale (Mỹ), người đứng đầu nhiều nghiên cứu mới cho biết: "Chúng tôi đang chứng kiến những điều điên rồ xảy ra ở nhiều giai đoạn bệnh".
Các nhà khoa học đang nghiên cứu những phản ứng bất thường này nhằm tìm ra mô hình giúp phân biệt bệnh nhân đang trên đà phục hồi với những người bệnh có nguy cơ tiến triển nặng hơn. Những hiểu biết thu được có thể giúp đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng cá nhân, làm giảm các triệu chứng hoặc thậm chí có thể tiêu diệt virus trước khi nó có cơ hội kích động hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức.
John Wherry, nhà miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ): "Các dữ liệu đều cho thấy điểm mấu chốt là chúng ta cần hành động sớm nhất có thể trong quá trình này".
Với những nhiễm trùng đường hô hấp quen thuộc hơn với con người, như cúm chẳng hạn, thì lúc nó cố gắng xâm nhập cơ thể, phản ứng của hệ miễn dịch sẽ là khởi động quá trình bảo vệ phối hợp 2 cơ chế. Đầu tiên, một "đội kỵ binh" chiến đấu sẽ nhanh chóng bay đến vùng bị virus xâm nhập và cố gắng kìm chân "kẻ xâm lược".
Phần lớn phản ứng sớm phụ thuộc vào các phân tử tín hiệu, được gọi là cytokine, sinh ra khi phát hiện virus. Nó như hồi chuông báo động giúp huy động quân tiếp viện từ các nơi khác trong cơ thể. Điều này nhằm kéo dài thời gian để hệ thống miễn dịch có thể chuẩn bị và thực hiện một "cuộc tổng tấn công" phù hợp hơn. Và cơ chế tiếp theo chính là quân tiếp viện nhường chỗ cho các kháng thể và tế bào T - những "sát thủ chuyên nghiệp" được tạo ra để tiêu diệt virus và những tế bào đã bị nhiễm virus.
Hình ảnh virus SARS-CoV-2 qua kính hiển vi điện tử truyền màu (Nguồn: The NewYork Times)
Tuy nhiên, cơ chế phối hợp này dường như bị phá vỡ ở những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Thay vì im lặng sau khi phát tín hiệu báo động gọi quân tiếp viện đợt 1 thì các cytokine ở những bệnh nhân này vẫn liên tục phát đi âm thanh báo động. Điều này khiến cơ chế phản ứng của cơ thể không bao gờ dừng lại, cho dù đã không còn cần thiết nữa.
Theo Tiến sĩ Iwasaki, việc tín hiệu này cứ phát đi không dừng một phần có thể là do cơ thể không kiểm soát được virus. Nhiều người bệnh phải chống chọi rất lâu chỉ vì hệ miễn dịch kéo dài cuộc bao vây chỗ viêm một cách điên cuồng.
Rất nhiều loại virus khác như loại gây ra AIDS đều phát triển thủ thuật tinh vi để trốn tránh hệ thống miễn dịch. Bằng chứng gần đây cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể trì hoãn hoặc bóp nghẹt interferon, một trong những cytokine sớm nhất phát đi tín hiệu bảo vệ cơ thể. Sự thất bại trong tuyến phòng thủ đầu tiên này có thể còn khiến hệ thống miễn dịch phát ra âm thanh báo động to hơn và kéo theo là loạt phản ứng "phá hoại".
Thậm chí sự mất phương hướng này còn mở rộng sang hoạt động của các tế bào. Tế bào B và tế bào T, hai loại "máy bay chiến đấu" miễn dịch thường cần "trò chuyện" để phối hợp tấn công. Thế nhưng, virus SARS-CoV-2 ở nhiều bệnh nhân đã ngăn chặn quá trình trao đổi thông tin giữa hai loại tế bào này.
Các nghiên cứu đều cho thấy việc điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng có thể cần thiết lập lại hệ miễn dịch bằng các loại thuốc về lý thuyết sẽ khôi phục lại sự cân bằng trong cơ thể và hồi sinh các đường liên lạc giữa các tế bào đang bị rối loạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!