Hệ quả của cuộc đối đầu kinh tế giữa Nga và phương Tây

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 06/03/2022 13:15 GMT+7

VTV.vn - Giá năng lượng và các kim loại quý đã tăng vọt trong tuần này. Cuộc đối đầu kinh tế giữa Nga và Phương Tây còn tác động sâu rộng đến đâu trong nền kinh tế toàn cầu?

Mỹ và châu Âu đang đưa những đòn trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay nhằm vào Nga. Và ngay lập tức, các đòn trừng phạt này gây phản ứng dữ dội đối với nền kinh tế Nga cũng như làm rung chuyển hệ thống tài chính toàn cầu.

Giá dầu đã tăng tới 20% chỉ trong tuần này. Các lệnh cấm vận cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, yếu tố có thể làm trầm trọng thêm lạm phát và kìm hãm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Cuộc chiến kinh tế tổng lực giữa Nga và phương Tây

Trừng phạt tài chính, ngân hàng

7 ngân hàng của Nga đã bị EU, Anh, Mỹ và Canada loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT - một mạng lưới an ninh cao tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán ở 200 quốc gia. EU tuyên bố sẽ ngăn những ngân hàng này hoạt động trên thế giới và cản trở hiệu quả các hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu của Nga.

Mỹ và các nước EU thông báo cấm các tổ chức tài chính của Nga, ví dụ như Ngân hàng Trung ương Nga, thực hiện các giao dịch bằng đồng USD. Anh tuyên bô đóng băng toàn bộ tài sản đối với các ngân hàng Nga. Các lệnh cấm này để ngăn Nga tiếp cận và bán ra khoảng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của nước này.

Các biện pháp trừng phạt khiến đồng Ruble rơi xuống mức thấp kỷ lục. Nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt, Tổng thống Nga đã ký sắc lệnh mới cấm người dân chuyển tiền ra nước ngoài. Các nhà xuất khẩu giờ đây phải giữ 80% dự trữ của họ bằng đồng Ruble. Ngân hàng Trung ương Nga cũng tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% để bù đắp nguy cơ đồng nội tệ mất giá ngày càng lớn và các rủi ro về lạm phát.

Hệ quả của cuộc đối đầu kinh tế giữa Nga và phương Tây - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)

Cấm vận hàng không

Để trừng phạt Nga, EU đã thông báo bất kỳ máy bay nào do các hãng hàng không Nga vận hành sẽ bị cấm hạ cánh, cất cánh từ lãnh thổ của EU hoặc bay qua lãnh thổ của EU, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Mỹ và Canada cũng áp đặt biện pháp tương tự.

Về phía Nga, 1 ngày sau quyết định của Liên minh châu Âu, nước này cũng tuyên bố cấm chuyến bay của các hãng hàng không từ 36 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU.

Đóng băng tài sản

Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt 20 cá nhân và công ty ở Belarus, trong đó có 2 ngân hàng sở hữu nhà nước lớn của Belarus, 9 công ty quốc phòng cùng nhiều quan chức. Tại châu Âu, Đức và Pháp ra quy định tịch thu tài sản của nhiều quan chức, tỷ phú và công dân Nga.

Đáp trả, Hạ viện Nga đã thông qua đạo luật mở rộng các biện pháp trừng phạt với tất cả những người nước ngoài vi phạm quyền của người Nga. Các biện pháp bao gồm lệnh cấm nhập cảnh vào Liên bang Nga, tịch thu tài sản tài chính ở Nga, cấm giao dịch tài sản và đầu tư cũng như đình chỉ hoạt động của các công ty do người nước ngoài bị trừng phạt kiểm soát.

Ngừng cung cấp dịch vụ

Hàng loạt công ty đa quốc gia bắt đầu thông báo về việc đình chỉ, chấm dứt công việc tại Nga, bao gồm Apple, Intel, Microsoft, Nike, H&M, Volvo… IKEA cũng thông báo sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng tại Nga từ ngày 4/3/2022.

Cái giá của các biện pháp trừng phạt tới kinh tế toàn cầu

Các biện pháp trừng phạt của phương tây không chỉ ảnh hưởng đến Nga mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là những nước vốn phụ thuộc nhiều vào lương thực hay khí đốt của Nga. Các biện pháp trừng phạt khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng chóng mặt, đồng thời ảnh hưởng đến các quốc gia và ngành công nghiệp khác nhau.

Giá năng lượng tăng

Giá dầu tăng cao nhất trong gần 1 thập kỷ sau các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Nguyên nhân là bởi Nga là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, cung cấp khoảng 1/10 lượng dầu tiêu thụ trên toàn cầu.

Gián đoạn nguồn cung khí đốt

Châu Âu nhập khẩu gần 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Việc gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ khiến người dân châu Âu thiếu nhiên liệu để sưởi ấm và phí sưởi ấm sẽ tăng.

Giá lương thực tăng

Giá lương thực thế giới tăng cao bởi Nga là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới. Nga cùng với Ukraine chiếm 1/4 lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.

Thiếu hụt các kim loại thiết yếu

Giá vàng tăng hơn 4% trong tuần qua. Giá Palladium, được sử dụng trong hệ thống xả ô tô, điện thoại di động, đã tăng vọt. Giá Niken, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Nga, cũng đang tăng.

Rối loạn tài chính

Không chỉ các ngân hàng Nga, các ngân hàng toàn cầu cũng đang chuẩn bị cho những tác động của các lệnh trừng phạt nhằm hạn chế Nga tiếp cận nguồn vốn nước ngoài và hạn chế khả năng thanh toán bằng ngoại tệ quan trọng.

Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu

Chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với tình trạng đứt gãy nghiêm trọng và chi phí tăng cao khi ngành vận tải hàng không và đường biển bị tác động bởi các lệnh cấm không phận và cấm đường biển giữa Nga và các nước Phương Tây.

Châu Âu sẽ ra sao nếu Nga khóa van khí đốt?

Giới quan sát cho rằng, việc chặn dòng chảy năng lượng từ Nga có thể khiến giá một thùng dầu thô toàn cầu tăng thêm 40 USD từ mức quanh 100 USD hiện tại. Còn ngay cả trước khi Liên minh châu Âu và các nước thành viên áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga, giá khí đốt tại các nước châu Âu đã có đà phi mã liên tục trong suốt năm 2021.

Khí đốt tăng giá làm giá dầu và giá điện cũng tăng theo, khiến chỉ số lạm phát của các nước châu Âu lên tục lập những đỉnh mới. Sự việc này đã và đang ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người dân cũng như nền kinh tế các nước châu Âu và liệu trong tình thế Nga có thể khoá van khí đốt cung cấp cho châu Âu sẽ khiến châu Âu phải xoay sở như thế nào?

Hệ quả của cuộc đối đầu kinh tế giữa Nga và phương Tây - Ảnh 3.

Châu Âu sẽ xoay sở thế nào nếu Nga khóa van khí đốt? (Ảnh: AP)

Với đồng lương hưu hạn chế, mọi chi tiêu sinh hoạt hàng tháng của gia đình bà Christine, một giáo viên đã về hưu tại Bỉ, đều phải có kế hoạch. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị xáo trộn khi nguồn cung khí đốt khan hiếm đẩy giá nhiều mặt hàng tại Bỉ và các nước châu Âu tăng cao trong hơn 1 năm qua.

Hệ quả của cuộc đối đầu kinh tế giữa Nga và phương Tây - Ảnh 4.

"Chúng tôi rất lo ngại trước đà tăng giá này. Mỗi tháng chính phủ có hỗ trợ khoảng 100 Euro song chẳng đủ. Tôi chẳng thể làm gì hơn trước khó khăn này, tôi đã rất tiết kiệm điện" - bà Christine Elleboudt chia sẻ.

Mức tiêu thụ năng lượng của gia đình bà Christine đã có xu hướng giảm song giờ đây việc sử dụng năng lượng sẽ phải tiết kiệm hơn và cách mua bán thực phẩm cũng phải điều chỉnh khi giá cả còn có thể tăng.

"Tôi vẫn phải sử dụng tủ lạnh, máy giặt, máy rửa bát song có thể tắt điện khi ra khỏi nhà hoặc bật ít đèn khi ở một mình. Tôi mua những gói sữa chua, pho mát lớn thì có giá rẻ hơn là mua từng gói nhỏ" - bà Christine Elleboudt cho biết thêm.

Sinh hoạt thường ngày bị xáo trộn, tâm lý lo lắng không chỉ xuất hiện ở những người có thu nhập hạn chế mà cả những người đang đi làm vì nguồn cung khí đốt có thể khan hiếm hơn nếu Nga dừng cấp khí đốt cho châu Âu, khiến giá cả còn biến động. Từ ngày 5/3, giá mỗi lít dầu Diesel tại Bỉ lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 2 Euro, tăng 40% so với năm ngoái.

Hệ quả của cuộc đối đầu kinh tế giữa Nga và phương Tây - Ảnh 5.

"Giá nhiên liệu cao đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của tôi. Tôi phải trả 88 Euro cho một bình nhiên liệu, đắt hơn 20 Euro cách đây vài tuần" - bà Demey Jacqueline cho biết.

Tâm lý lo lắng về khả năng Nga dừng cấp khí đốt cho châu Âu cũng được nhiều hãng tin và chuyên gia nghiên cứu tại châu Âu phản ánh. Trang tin Euronews cho rằng, người dân ở Đức, Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi 50 - 60% lượng khí nhập khẩu của những quốc gia này là từ Nga. Song nguồn cung khí đốt của Nga có thể bù đắp từ chính các nước xuất khẩu khí đốt của châu Âu như Na Uy, Hà Lan, Anh hay Đan Mạch.

Cũng đề bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga, các chuyên gia tại Tổ chức nghiên cứu độc lập Bruegel của Bỉ cho rằng, các nước châu Âu đã và đang nhập khẩu khí hoá lỏng từ nhiều quốc gia như Australia, Mỹ, Qatar…

Dựa trên tình hình thực tế và những phân tích của các chuyên gia, có thể thấy, nếu Nga cắt khí đốt vào châu Âu, nền kinh tế các nước châu Âu sẽ bị thiệt hại, phải chi phí tốn kém hơn để tìm kiếm và nhập khẩu nguồn năng lượng thay thế nhưng châu Âu khó rơi vào cảnh không đủ nguồn cung năng lượng.

Về phía nước Nga, dù mới chỉ có vài ngày, nước này đã ngấm được chi phí của lệnh trừng phạt. Tính từ ngày 24/2 đến nay, đồng Ruble của Nga đã giảm giá trị 30% và các nhà phân tích lo ngại giá trị đồng tiền Nga sẽ còn bất ổn. Đời sống người dân càng thêm khó khăn.

Nhưng cũng không phải không có lý khi nói rằng, Nga đã quen với việc đối phó với các lệnh trừng phạt từ 8 năm qua. Tổng thống Nga Putin đã mất nhiều năm xây dựng nền kinh tế trị giá 1.500 tỷ USD của Nga như một pháo đài để chống đỡ các biện pháp trừng phạt cứng rắn.

Tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với ASEAN

Nếu xét về quy mô, Nga và Ukraine đều có quan hệ kinh tế khá hạn chế đối với ASEAN. Năm 2020, Nga chỉ chiếm 0,53% trong tổng giá trị thương mại hàng hóa của ASEAN, còn Ukraine chiếm 0,1%. Tuy nhiên, cả hai nước đều có những lĩnh vực chủ chốt, đặc biệt là nông nghiệp - một phần quan trọng của nhiều nền kinh tế Đông Nam Á.

Ví dụ như về phân bón. Nga là nhà cung cấp phân bón lớn thứ 3 của ASEAN. Bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung phân bón đều có thể ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất. Hay như Ukraine là nhà cung cấp chủ chốt các mặt hàng lúa mì, yến mạch và các loại ngũ cốc cho ASEAN khi chiếm tới 9,21% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của khối vào năm 2020. Cả Nga và Ukraine cộng lại sẽ là nhà cung cấp ngũ cốc lớn thứ 3 cho một khu vực có lượng tiêu thụ các sản phẩm lúa mì đang gia tăng.

Riêng đối với Việt Nam, thương mại điện tử của Việt Nam với Nga khá nổi bật. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu máy móc và thiết bị điện, bao gồm cả điện thoại thông minh, của Việt Nam sang Nga lên tới 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, hoạt động thương mại này có thể bị ảnh hưởng nếu Mỹ áp đặt Quy tắc Sản phẩm trực tiếp nước ngoài đối với Nga, theo đó cấm xuất khẩu các sản phẩm sử dụng công nghệ của Mỹ sang nước này.

Hệ quả của cuộc đối đầu kinh tế giữa Nga và phương Tây - Ảnh 6.

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương (Ảnh: MOIT)

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương - cho biết: "Bộ Công Thương đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình căng thẳng, rủi ro, một số tác động có thể có với thương mại song phương giữa Việt Nam với Liên bang Nga và Ukraine, đồng thời khuyến nghị biện pháp cụi thể. Đối với Việt Nam là một nước có độ mở kinh tế cao, hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ với biến động thị trường, trực tiếp ban đầu là thương mại hàng hóa, cung cầu, giá cả, vận chuyển lưu thông hàng hóa, thanh toán hợp đồng thương mại".

Hệ quả của cuộc đối đầu kinh tế giữa Nga và phương Tây - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương (Ảnh: MOIT)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: "Duy trì thường xuyên mối quan hệ với các cơ quan ngoại giao, thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài để nắm được diễn biến tình hình xảy ra tại các khu vực, các châu lục để chúng ta có được phản ứng phù hợp".

Các chuyên gia kinh tế lo ngại sự gián đoạn nguồn cung các mặt hàng như vậy từ Nga và Ukraine có thể dẫn đến áp lực lạm phát trên toàn cầu và cả Đông Nam Á. Tổ chức Capital Economics đã nâng mức dự báo tăng giá trong ngắn hạn cho hầu hết các hàng hóa nông nghiệp lên khoảng 25%.

Một khía cạnh khác cũng rất đáng chú ý là vũ khí. Trong giai đoạn năm 1999 - 2018, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đông Nam Á khi chiếm tới 26% trong tổng số vũ khí nhập khẩu của khu vực. Dù có sự khác nhau về mức độ quan hệ kinh tế và chính trị của các nước thành viên ASEAN với Nga nhưng căng thẳng quân sự Nga - Ukraine khiến Đông Nam Á không tránh khỏi các ảnh hưởng tiêu cực.

Nhìn vào các cuộc đối đầu nhiều thập kỷ trên thế giới, có thể thấy rằng, các lệnh trừng phạt mang tính chất răn đe chứ không thể hủy diệt đối phương. Vì vậy, luôn phải có đường lui trong kịch bản trừng phạt.

Có một tin tức gây chú ý là thông điệp của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề chính trị Victoria Nuland đưa ra trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Tass của Nga ngày 3/3. Đó là: "Không ai muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới". Các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ được dỡ bỏ nếu Nga chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine, công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền tự quyết của Ukraine. Tất nhiên để tìm kiếm nhận thức chung của Nga và phương Tây về đảm bảo an ninh cho Nga hay công nhận quyền tự quyết của Ukraine còn rất nhiều phức tạp. Nhưng ít ra đề nghị đối thoại này cũng manh nha mở ra một lối thoát cho tất cả các bên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước