Hệ quả của sự phát triển “nóng” tại Mỹ

Lê Minh (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)-Chủ nhật, ngày 21/04/2019 18:34 GMT+7

Những người vô gia cư sống lang thang trên vỉa hè tại San Francisco (Mỹ).

VTV.vn - Hiện thành phố San Francisco (Mỹ) có tới hơn 7.500 người sống lang thang trên vỉa hè. Không ít trong số họ đã từng có nhà ở, có công ăn việc làm ổn định.

Thành phố San Francisco, bang California, Mỹ được ghi nhận là một trong những nơi có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất nước Mỹ thời gian gần đây nhờ vào sự bùng nổ của các công ty công nghệ. Tuy nhiên, thành phố này lại cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về người vô gia cư. Vì sao giữa trung tâm của một thành phố hiện đại lại xảy ra tình trạng này?

Hiện thành phố San Francisco có tới hơn 7.500 người sống lang thang trên vỉa hè. Không ít trong số họ đã từng có nhà ở, có công ăn việc làm ổn định. Một trong những nguyên nhân chính là do sự phát triển quá nóng của thành phố San Francisco, với sự xuất hiện của tầng lớp cư dân mới làm việc cho các công ty công nghệ có mức lương khởi điểm từ 100.000 USD/ năm trở lên.

Ông Cary Mcclellanh - Tác giả cuốn sách "Thành phố Silicon" nói: "Mức sống và giá nhà ở San Francisco tăng mạnh, khiến số lượng người bị thu nhà siết nợ gia tăng, một lượng lớn doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa, các tổ chức phi lợi nhuận không thể cầm cự, nhiều trung tâm văn hóa vốn có ý nghĩa rất quan trọng với thành phố này phải di rời ra khỏi thành phố. Những điều này đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thành phố San Francisco".

Năm 2012, giá trung bình một căn nhà ở San Francisco vào khoảng 670.000 USD, đến đầu năm 2018 đã lên tới 1,6 triệu USD. Giá thuê một căn hộ 2 phòng ngủ ở đây hiện vào khoảng 3.700 USD, mức cao nhất ở Mỹ. Một gia đình 4 người có thu nhập dưới 117.400 USD/năm được xếp vào diện thu nhập thấp.

Thực tế trên khiến một bộ phận không nhỏ cư dân thành phố San Francisco bị rơi vào tình trạng bần cùng hóa và trở thành người vô gia cư do thu nhập của họ không đủ để trả nợ mua nhà, thuê nhà hay chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.

Rất khó để có thể đổ lỗi cho các công ty cộng nghệ, mà chỉ có thể khẳng định đây là một trong những mặt trái của nền kinh tế thị trường, khi mức cầu đã vượt quá khả năng cung ứng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước