Gần 40 quốc gia trên thế giới đã quyết định không tham gia vào hội nghị của Liên Hợp Quốc diễn ra từ ngày 27/3, nhằm xây dựng một lệnh cấm vũ khí hạt nhân có tính ràng buộc pháp lý. Các nước này cho rằng, một lệnh cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu là điều không thực tế.
Theo ghi nhận của phóng viên THVN tại Mỹ, "Đáng thất vọng" là từ mà các nước ủng hộ Hội nghị hạt nhân của Liên Hợp Quốc dùng để chỉ trích hành động tẩy chay của Mỹ và gần 40 nước khác. Họ cho rằng động thái của nhóm nước này là "nỗ lực vô ích" nhằm làm phân tán sự chú ý của dư luận đối với sự cần thiết phải giải trừ vũ khí hạt nhân.
Các nước ủng hộ Hội nghị cho rằng nguy cơ từ vũ khí hạt nhân đang trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết, trong khi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân có hiệu lực từ năm 1970 không phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Do đó, cần phải có một hiệp ước mới cấm việc sở hữu, sử dụng và phát triển vũ khí hạt nhân.
Về phần mình, Mỹ và gần 40 nước phản đối Hội nghị cho rằng đây chưa phải là thời điểm phù hợp để cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Các nước này lập luận rằng họ cần vũ khí hạt nhân để răn đe và ngăn chặn mối đe dọa từ các nước như Triều Tiên hay Iran.
Việc xây dựng và thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân là một quá trình dài và cuộc họp lần này mới chỉ là bước đi đầu tiên. Mục đích của phiên thảo luận đầu tiên nhằm lấy ý kiến các nước về các thành tố của Hiệp ước như nguyên tắc, mục tiêu, các biện pháp cấm chủ chốt, điều khoản về cơ chế giám sát và thực thi.
Sau đó, đến tháng 6 tới, các nước mới họp phiên thứ 2 để thảo luận về nội dung Hiệp ước, trước khi trình lên Đại hội đồng bỏ phiếu. Vì đây là vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh nên để được thông qua tại Đại hội đồng, Hiệp ước phải nhận được đa số 2/3 trên tổng số 193 thành viên Liên Hợp Quốc, tương đương khoảng 130 quốc gia ủng hộ.
Điều đó có nghĩa là Hiệp ước cấm hạt nhân vẫn có cơ hội được thông qua bất chấp việc Mỹ và gần 40 quốc gia khác phản đối. Chỉ có điều, đối tượng chính mà Hiệp ước này nhắm đến là các quốc gia sở hữu hạt nhân như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ... lại không tham gia. Mà khi họ đã không ký và phê chuẩn thì không có nghĩa vụ thực thi Hiệp ước.
Các nước ủng hộ Hiệp ước cho rằng, dẫu thế nào, Hiệp ước này cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về nguy cơ và sự cần thiết phải giải trừ hạt nhân, đồng thời tạo sức ép về chính trị và đạo đức đối với các cường quốc hạt nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!