Chiều tối ngày 8/7, lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang họp thượng đỉnh tại thành phố Hamburg của Đức sẽ kết thúc 2 ngày họp và ra Tuyên bố chung. Theo thông lệ, Tuyên bố chung phải được tất cả chấp thuận. Nhưng việc đạt được quan điểm chung về ứng phó với biến đổi khí hậu trở nên hết sức phức tạp, khi mà phải viết sao cho thể hiện được quan điểm của cả Mỹ và các nước vẫn theo đuổi Thỏa thuận Paris.
Chuyện cắt giảm khí thải làm cho trái đất nóng lên tưởng như đã được định đoạt tại Paris. Lúc đó không ai nghĩ rằng, chỉ sau có một năm rưỡi, vấn đề lại phải đưa ra thảo luận lại. Nước Mỹ tuyên bố rút khỏi thoả thuận. Chống biến đổi khí hậu bất đắc dĩ lại trở thành một đề tài nóng tại Hội nghị thượng đỉnh G20.
G20 là diễn đàn, các kết luận đưa ra tại đây không ràng buộc bất cứ nước nào. Nhưng một khi 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã định hình một hướng đi, các nước khác, dù không muốn, cũng sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng.
19 nền kinh tế lớn nhất thế giới có đại diện tại đây không muốn đàm phán lại Thoả thuận Paris. Riêng nước Mỹ muốn đưa vào Tuyên bố chung một ý: "Tạo thuận lợi trong tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hoá thạch". Một ý mà các nước còn lại không muốn thấy trong Tuyên bố chung sắp được công bố.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!