Hội nghị được kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu quan trọng nhằm tìm ra giải pháp để giải quyết gốc rễ những xung đột và chủ nghĩa cực đoan trên thế giới hiện nay.
Xây dựng một liên minh tôn giáo vì hòa bình được Hội nghị thượng đỉnh xem là chìa khóa để ngăn ngừa xung đột và chủ nghĩa cực đoan trên thế giới ngày nay.
Ông Aleem Said Ahmad Basher, Tổ chức Hồi giáo Jamiatu Mindanao, Philippines cho rằng: “Bản thân từ Islam cũng mang hàm nghĩa hòa bình. Chúng tôi, những người Hồi giáo không bao giờ muốn chiến tranh. Và người Hồi giáo sẽ vận động hơn nữa cho hòa bình để mỗi người đều luôn thường trực trong đầu một suy nghĩ, hòa bình là điều tốt. Chẳng hạn như những tổ chức như Nhà nước Hồi giáo, họ đang mượn tôn giáo để thực hiện những âm mưu chính trị của mình. Đạo Hồi phải ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan đó”.
Thế giới ước tính, hiện có 500.000 tôn giáo đang tồn tại. Trong 7,2 tỉ dân trên trái đất, có 85% là những người theo đạo. Không khó hiểu vì sao nhiều ý kiến cho rằng, các cuộc xung đột trong thế kỷ 21 sẽ là các cuộc xung đột giữa các tôn giáo.
Hội nghị thượng đỉnh liên minh tôn giáo vì hòa bình thế giới đặt một mục tiêu khá tham vọng, thúc đẩy ký kết một hiệp ước quốc tế giữa các tôn giáo và quốc gia để ngăn cấm tiến hành chiến tranh.
Ông Man Hee Lee, Chủ tịch Tổ chức vận động hòa bình HWPL, Hàn Quốc khuyến nghị: “Hãy đừng tiếp tục chạy theo ngăn ngừa xung đột tại một khu vực nhất định. Chúng ta phải giải quyết tận gốc rễ của mọi cuộc xung đột trên toàn cầu. Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo các quốc gia đi đến một thỏa thuận thiết lập luật pháp quốc tế nhằm cấm phát động chiến tranh mọi cuộc chiến tranh dưới bất kỳ hình thức nào”.