Hậu quả bom mìn để lại vô cùng nhức nhối nhưng chưa được quan tâm đúng mức

Lê Tuyển (Phóng viên THVN từ trụ sở LHQ tại New York, Mỹ)-Thứ ba, ngày 05/04/2022 12:35 GMT+7

VTV.vn - Đó là phát biểu của các diễn giả tại Hội nghị Tuần lễ khắc phục hậu quả bom mìn đang diễn ra tại New York, Mỹ.

Đêm qua theo giờ Việt Nam, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York đã diễn ra Hội nghị Tuần lễ khắc phục hậu quả bom mìn. Hội nghị do Cơ quan Hành động về Bom mìn Liên hợp quốc chủ trì tổ chức với chủ đề "mặt đất an toàn, bước đi an toàn, ngôi nhà an toàn". Việt Nam tham dự với tư cách khách mời của Liên hợp quốc.

Diễn giả của hội nghị là đại diện các nước và cả những diễn viên nổi tiếng đang giữ vai trò đại sứ cho các tổ chức cố vấn bom mìn. Các diễn giả cho rằng hậu quả mà bom mìn để lại là vô cùng nhức nhối nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức.

Bà Rosamund Pike - Đại sứ Nhóm Cố vấn về Bom mìn (MAG) phát biểu: "Sao có thể coi là đúng khi trẻ em vẫn đang chết vì hậu quả từ các cuộc chiến hàng thập kỷ trước. Sao đúng được khi trẻ em vẫn bị sát hại bằng những vũ khí mà hầu hết các nước đã cấm. Sao có thể đúng khi những ông bố, bà mẹ phải lo sợ mỗi khi con họ bước ra khỏi vòng an toàn của ngôi nhà. Thực sự không đúng, không đúng chút nào".

Hậu quả bom mìn để lại vô cùng nhức nhối nhưng chưa được quan tâm đúng mức - Ảnh 1.

Nhiếp ảnh gia Giles Duley phát biểu tại hội nghị

Và bom mìn còn sót lại cũng không trừ một ai, ngay cả những người không sinh ra ở khu vực bị ảnh hưởng. Giles Duley, từng là nhiếp ảnh gia với nhiều mơ ước, ông mất hai chân và 1 tay do vướng mìn khi đang làm việc tại Afghanistan. Sau này, Giles thành lập quỹ dành riêng cho các nạn nhân của bom mìn. Theo ông, các nạn nhân sẽ không thể bắt đầu lại cuộc sống nếu không có sự chung tay của cộng đồng quốc tế.

"Tôi đã tới Lào, Việt Nam, Columbia, Afghanistan và nhiều nước khác để chia sẻ và hiểu được câu chuyện của những người bị tác động bởi chiến tranh. Họ, giống như tôi, thức dậy và nhận ra cuộc sống của họ đã thay đổi hoàn toàn. Nên chúng ta có một lựa chọn, tiếp tục để họ là nạn nhân, hay là người sống sót có cơ hội tốt hơn?", Giles Duley nói.

Hậu quả bom mìn để lại vô cùng nhức nhối nhưng chưa được quan tâm đúng mức - Ảnh 2.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã mang đến hội nghị bộ phim về những hình ảnh đau thương mà bom mìn từ chiến tranh đã để lại cho người dân Việt Nam. Nhưng, theo Đại sứ, cùng với sự hỗ trợ của các đối tác, bạn bè quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực và đạt được nhiều bước tiến quan trọng, với quan điểm rõ ràng.

"Quan điểm của Việt Nam là dọn sạch bom mìn phải đi cùng với hỗ trợ các nạn nhân. Nâng cao nhận thức và giáo dục về mối nguy hiểm của bom mìn phải được thực hiện ở mọi cấp, quan trọng hơn là phải tạo ra sinh kế bền vững, khi đó thành quả của hòa bình mới bền vững và có ý nghĩa".

Năm 2005, Liên hợp quốc đã chọn ngày 4/4 hàng năm là ngày Quốc tế Nhận thức Bom mìn và Hỗ trợ hành động Bom mìn. Việt Nam đã luôn đi đầu trong các hoạt động này. Tháng 4/2021, khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐBA, chủ đề này cũng đã được Việt Nam đưa vào phiên thảo luận chính của tháng, được cộng đồng quốc tế hưởng ứng và đánh giá cao.

Ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4/4: Việt Nam nỗ lực thúc đẩy khắc phục hậu quả bom mìn Ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4/4: Việt Nam nỗ lực thúc đẩy khắc phục hậu quả bom mìn Khắc phục hậu quả bom mìn và phát triển nông thôn tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và Bình Định Khắc phục hậu quả bom mìn và phát triển nông thôn tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và Bình Định Thủ tướng: Khắc phục hậu quả bom mìn là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên Thủ tướng: Khắc phục hậu quả bom mìn là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước