Đây là những trẻ em tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Đông Bắc Nigeria, Trung Sahel, Nam Sudan và Yemen, là các quốc gia, vùng lãnh thổ đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, đồng thời phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: "Đối với các quốc gia đang phải hứng chịu hậu quả của xung đột và biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 đã đẩy cuộc khủng hoảng dinh dưỡng thành một thảm họa sẽ xảy ra. Các gia đình vốn chật vật để nuôi bản thân và con cái nay đang bên bờ vực của nạn đói".
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, ước tính có khoảng 3,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đứng trước nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính vào năm 2021, trong đó có ít nhất 1 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Nguyên nhân của tình trạng đáng báo động này là do sự mất an ninh đang diễn ra, hậu quả kinh tế - xã hội từ đại dịch COVID-19. Việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương còn hạn chế.
Ở Đông Bắc Nigeria, dự kiến sẽ có hơn 800.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính vào năm 2021, trong đó có gần 300.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng có nguy cơ tử vong. Tại khu vực Tây Bắc nước này, thực trạng suy dinh dưỡng còn nghiêm trọng hơn. Bang Kebbi đang có tỷ lệ suy dinh dưỡng mãn tính tới 66%, cao hơn 20% so với bang Borno ở phía Đông Bắc. Ở bang Sokoto, gần 18% trẻ em bị suy dinh dưỡng và 6,5% bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
Trẻ em tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Đông Bắc Nigeria, Trung Sahel, Nam Sudan và Yemen đứng trước nguy cơ bị suy dinh dưỡng. (Ảnh minh họa: AP)
Tại Nam Sudan, tình hình an ninh lương thực ngày càng xấu đi. Theo đó, gần 7,3 triệu người, tương đương 60% dân số nước này, dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào năm 2021. Ước tính có khoảng 1,4 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính vào năm 2021, cao nhất kể từ năm 2013. Trong khi đó, số trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng dự kiến sẽ tăng từ khoảng 292.000 trẻ trong năm nay lên hơn 313.000 trẻ vào năm 2021.
Tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em gia tăng được cho là do xung đột và mất an ninh đang diễn ra, việc tiếp cận các dịch vụ dinh dưỡng thiết yếu, chăm sóc sức khỏe, nước và vệ sinh còn hạn chế. Lũ lụt tại một số khu vực vào năm 2020 đã làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính vốn đã ở mức cao của trẻ em.
Tại các quốc gia Trung Sahel như Burkina Faso, Mali và Niger, xung đột, tình trạng di cư và khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng, khiến khoảng 5,4 triệu người phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu lương thực hàng ngày. Tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính đã tăng 167% ở Burkina Faso, 34% ở Mali và 39% ở Niger so với mức trung bình 5 năm.
Số trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính có thể tăng 21%, nâng tổng số trẻ em suy dinh dưỡng ở 3 nước lên 2,9 triệu trẻ, trong đó có 890.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Trên khắp Yemen, hơn 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó có gần 358.000 trẻ bị suy dinh dưỡng nặng và con số này dự kiến sẽ tăng lên.
UNICEF đang kêu gọi các tổ chức nhân đạo tại những quốc gia, vùng lãnh thổ này cũng như cộng đồng quốc tế khẩn trương mở rộng khả năng tiếp cận và hỗ trợ các dịch vụ dinh dưỡng, sức khỏe, nước và vệ sinh cho trẻ em và các gia đình khó khăn.
Bất chấp những thách thức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, năm 2020, UNICEF và các đối tác đã tiếp tục hỗ trợ cho những trẻ em dễ bị tổn thương nhất ở những khu vực khó tiếp cận nhất thông qua việc điều chỉnh các chương trình hiện có để duy trì và tăng khả năng tiếp cận. UNICEF đã kêu gọi hơn 1 tỷ USD để hỗ trợ nhiều chương trình dinh dưỡng cho trẻ em ở những quốc gia bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng nhân đạo trong năm 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!