Hơn 137,1 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 31,9 triệu ca mắc và hơn 576.100 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 40.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 13,6 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 171.000 trường hợp thiệt mạng. Ngày 12/4, Ấn Độ ghi nhận gần 160.700 trường hợp nhiễm mới.
Hiện nay, làn sóng lây nhiễm thứ hai đang xảy ra ở Ấn Độ. Trong khi đó, ước tính chưa đến 4% trong tổng số 1,4 tỷ dân của nước này đã tiêm vaccine COVID-19. Các chuyên gia nhận định, tình hình vì thế có thể sẽ còn phức tạp. Ấn Độ hiện là quốc gia sản xuất vaccine ngừa COVID-19 lớn thứ hai trên thế giới. Trước đó, nước này đã buộc phải ngừng gần như toàn bộ việc xuất khẩu vaccine để ưu tiên tiêm chủng cho người dân trong nước.
Tại Brazil, tổng số người nhiễm COVID-19 là trên 13,4 triệu trường hợp. Trong tháng 3 vừa qua, Brazil ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 dưới 40 tuổi cần điều trị tích cực tăng mạnh, vượt nhóm bệnh nhân cao tuổi. Đây là điều đáng lo ngại trong bối cảnh Brazil đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh lây lan nhanh do biến thể SARS-CoV-2. Cụ thể, trong tháng 3/2021, số bệnh nhân COVID-19 từ 39 tuổi trở xuống tại các phòng điều trị tích cực (ICU) tăng lên 11.000 ca, chiếm hơn một nửa tổng số bệnh nhân COVID-19 trong hệ thống ICU của nước này.
Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này. Trong đó có nguyên nhân là nhiều bệnh nhân trên 80 tuổi được tiêm chủng vaccine COVID-19, trong khi những người trẻ có nguy cơ lây nhiễm virus nhiều hơn do họ phải tới nơi làm việc, hoặc do tâm lý cho rằng bản thân ít nguy cơ bị virus tấn công. Sự lây lan biến thể P1 của virus SARS-CoV-2 cũng được cho là nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới tại Brazil tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tới nay, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 353.200 người tại Brazil, cao thứ 2 thế giới sau Mỹ.
Số bệnh nhân trẻ điều trị ICU tại Brazil đang gia tăng. (Ảnh: AP)
Sau nhiều tháng hạn chế, thậm chí có cả phong tỏa cứng, ngày 12/4, Anh đã chính thức bắt đầu cho phép mở cửa trở lại một số hoạt động. Nhà hàng, quán xá được kinh doanh trở lại với một số hạn chế như chỉ được tiếp khách ngồi ngoài trời. Các dịch vụ không thiết yếu như spa, tiệm cắt tóc, những trung tâm thể thao, thư viện… được phép mở cửa. Du lịch nội địa cũng hoạt động trở lại.
Đây là các biện pháp mới nhất, thăm dò để từng bước tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn giãn cách xã hội dự kiến vào ngày 21/6. Chính phủ Anh đưa ra quyết định này dựa trên việc đáp ứng các tiêu chí như tiến độ tiêm chủng vaccine, tỷ lệ lây nhiễm giảm, tỷ lệ người nhập viện giảm.
Anh từng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực châu Âu nhưng giờ lại đang trên lộ trình quay trở lại nhịp bình thường một cách sớm và toàn diện nhất. Chiến dịch tiêm chủng của Anh được đánh giá là nhanh nhất thế giới với hơn nửa dân số đã được nhận ít nhất 1 mũi vaccine.
Ngày 12/4, chính quyền tỉnh Tokyo, Kyoto và Okinawa của Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Số ca nhiễm mới tại các tỉnh này có chiều hướng gia tăng sau chưa đầy 1 tháng Nhật Bản hoàn toàn gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp lần thứ 2. Theo đó, các nhà hàng, quán rượu tại khu vực đông người sẽ phải đóng cửa vào lúc 20h hàng ngày. Những biện pháp này sẽ có hiệu lực cho đến hết ngày 5/5 tại Kyoto và Okinawa và đến hết ngày 11/5 tại Tokyo. Tuy vậy, Chính phủ Nhật Bản sẽ không ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 để tránh cản trở công tác chuẩn bị cho Olympic và Paralympic Tokyo vào mùa hè này.
Từ ngày 12/4, Nhật Bản thực hiện tiêm vaccine COVID-19 cho người cao tuổi. (Ảnh: AP)
Sau các nhân viên y tế, Nhật Bản bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi vào ngày 12/4. Đây là nhóm đối tượng thuộc diện ưu tiên thứ hai được tiêm chủng vaccine tại Nhật Bản. Khoảng 36 triệu người từ 65 tuổi trở lên sẽ thuộc diện được tiêm chủng trong đợt này. Nhật Bản đã thành lập khoảng 120 địa điểm trên toàn quốc để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân. Trong ngày đầu tiên, đã có rất nhiều người cao tuổi đến các địa điểm tiêm chủng để nhận mũi tiêm thứ nhất. Hiện nay, chỉ có vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech được cấp phép sử dụng tại Nhật Bản.
Sáng 12/4, chính quyền thủ đô Phnom Penh, Campuchia đã ra thông báo để thời gian 3 ngày đối với 9 người bị nhiễm COVID-19 phải đến trình diện để được điều trị, nếu không sẽ phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Luật Phòng chống lây nhiễm COVID-19 với mức án có thể lên tới 10 năm tù. Chín người này nằm trong số những người bị nhiễm COVID-19 cho địa chỉ không chính xác lúc lấy mẫu xét nghiệm. Nếu trong thời gian 3 ngày bệnh nhân không đến, hồ sơ sẽ được chuyển sang tòa án xét xử theo pháp luật.
Chiều tối cùng ngày, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã quyết định đóng cửa thêm một ngôi chợ có tên là "Chợ Cũ" tại trung tâm thủ đô. Lý do là vì đã có tiểu thương và khách hàng ở chợ này bị phát hiện nhiễm COVID-19. Cách đây 5 ngày, chính quyền Phnom Penh đã đóng cửa chợ Orussey. Hiện nay, ổ dịch tại chợ Orussey vẫn đang lây nhiễm chéo khá phức tạp với hàng trăm người bị lây nhiễm mỗi ngày. Nhiều ca nghi nhiễm còn chưa được tìm thấy do khi lấy mẫu xét nghiệm và khai báo dịch tễ, người dân đã cung cấp địa chỉ giả.
Theo Luật Phòng chống lây nhiễm COVID-19 của Campuchia, những người trốn không chịu điều trị phải chịu từ 1 - 5 năm tù và phạt tiền 5.000 USD, còn nếu cố tình gây lây nhiễm cho người khác, mức phạt tăng lên từ 5 - 10 năm tù. Hiện Campuchia đã ghi nhận hơn 4.500 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 30 người tử vong. Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Campuchia bày tỏ lo ngại, nếu không chặn đứng được đợt bùng phát hiện nay, toàn bộ hệ thống y tế Campuchia có nguy cơ bị nhấn chìm.
Hàn Quốc siết chặt quy định đeo khẩu trang. (Ảnh: AP)
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc thông báo, quy định bắt buộc đeo khẩu trang bắt đầu có hiệu lực từ 0h ngày 12/4. Theo đó, người dân phải luôn đeo khẩu trang trong không gian kín bất kể mức độ giãn cách xã hội. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính gần 90 USD đối với cá nhân và hơn 1.300 USD đối với chủ cơ sở kinh doanh. Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí như quán rượu, quán bar, vũ trường ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận cùng thành phố Busan sẽ phải tạm dừng hoạt động kinh doanh từ ngày 12/4.
Ngày 12/4, Thái Lan ghi nhận thêm 985 ca mắc COVID-19, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất kể từ đầu dịch. Trước đó một ngày, số ca mắc mới COVID-19 ở Thái Lan cũng tăng ở mức cao kỷ lục với 967 ca, trong đó thủ đô Bangkok có tới 236 ca. Theo Cục phó Cục Kiểm soát dịch bệnh Sophon Lamsirithaworn, tình hình dịch bệnh ở Thái Lan hiện nay rất đáng lo ngại.
Hiện Thái Lan đang đối phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 với sự xuất hiện của một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao. Kể từ khi ca bệnh đầu tiên được xác nhận ở Thái Lan, đến nay quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng trên 33.600 ca mắc COVID-19, trong đó số ca tử vong duy trì ở 97 ca.
Chính phủ Lào đang yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng chống COVID-19 trong thời gian đón Tết cổ truyền Bunpimay. Mới đây, Lào đã ghi nhận bệnh nhân COVID-19 thứ 50 và đây là ca nhiễm đầu tiên ở trong nước sau 1 năm.
Các hoạt động chính trong dịp Tết cổ truyền Bunpimay năm 2021 diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 14/4. Để ngăn ngừa dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Lào chỉ cho phép người dân tổ chức các hoạt động đón Tết cổ truyền Bunpimay theo phong tục truyền thống và tổ chức các nghi lễ tôn giáo trong chùa, liên hoan đón Tết trong phạm vi cơ quan, gia đình, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người có tiếp xúc dưới 1m, đóng cửa tạm thời các cơ sở giải trí, karaoke và cửa hàng ăn uống trong thời gian còn lại của tháng 4, cũng như yêu cầu người dân hạn chế di chuyển trong dịp năm mới.
Trung Quốc đang cân nhắc tiêm kết hợp các loại vaccine để tăng hiệu quả của những loại vaccine sản xuất trong nước. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Trung Quốc cho biết, nước này chính thức cân nhắc các cách giải quyết vì những vaccine hiện có hiệu quả chưa cao. Trung Quốc đã bào chế 4 vaccine ngừa COVID-19, đều đã được phê chuẩn sử dụng đại trà trong nước. Trong đó, một loại vaccine do hãng Sinovac bào chế được ghi nhận hiệu quả trên 50% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Brazil. Một nghiên cứu khác tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy hiệu quả tới 83,5%. Hiện chưa có số liệu chi tiết về hiệu quả của 2 loại vaccine do hãng Sinopharm sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!