Hơn 56,4 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với hơn 11,8 triệu ca mắc và trên 255.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 112.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tổng số ca mắc bệnh tại Ấn Độ, tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới, đã tiến sát mốc 9 triệu ca với 8,95 triệu trường hợp. Ngày 18/11, hơn 45.200 ca mắc COVID-19 mới đã được ghi nhận tại quốc gia này. Đến nay, trên 131.600 người đã tử vong vì bệnh dịch tại Ấn Độ.
Số ca mắc COVID-19 mới hàng tại Brazil đã giảm mạnh. Trong 24 giờ qua, quốc gia này chỉ ghi nhận thêm 1.145 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Như vậy, tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này hiện là hơn 5,9 triệu trường hợp, bao gồm trên 166.800 bệnh nhân không qua khỏi.
Tại điểm nóng dịch bệnh châu Âu, Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc 2 triệu ca mắc COVID-19, dù đợt phong tỏa toàn quốc lần 2 từ ngày 30/10 đã phần nào hạn chế được tốc độ lây nhiễm. Tính đến thời điểm hiện tại, Pháp đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc COVID-19, sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil và đứng thứ 3 ở châu Âu về số ca tử vong sau Anh và Italy với gần 46.700 trường hợp.
Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc 2 triệu ca mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Anh đã ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ ngày 5/6. Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Y tế Anh, số ca tử vong tại nước này trong 24 giờ qua tăng cao kỷ lục, lên 529 ca, nâng tổng số trường hợp tử vong lên hơn 53.200 bệnh nhân trong tổng số trên 1,43 triệu trường hợp nhiễm bệnh.
Trong 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận gần 21.000 ca nhiễm mới và 456 người tử vong do COVID-19. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Nga là trên 1,99 triệu trường hợp, cao thứ 5 trên thế giới.
Hungary đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp đến tháng 2/2021 nhằm ngăn chặn dịch bệnh, trong đó áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, cấm tập trung đông người, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và triển khai học trực tuyến cho các trường trung học và đại học. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), tính đến ngày 18/11, tỷ lệ tử vong do COVID-19 trung bình trong vòng 7 ngày tại Hungary hiện cao thứ 4 ở châu Âu, sau Cộng hòa Czech, Bỉ và Bulgaria. Ngày 18/11, Hungary ghi nhận gần 4.300 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc lên hơn 156.900 trường hợp
Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới trên diện rộng. Giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận thêm gần 1.500 ca nhiễm mới COVID-19 trên toàn quốc. Đến nay, trên 120.800 người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố đang cân nhắc khả năng nâng mức cảnh báo về dịch bệnh lên mức cao nhất.
Số ca mắc mới hàng ngày tại Hàn Quôc đã ở mức trên 300 ca. (Ảnh: AP)
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 313 ca mắc mới, trong đó 245 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số người nhiễm trong nước lên hơn 29.300 trường hợp. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 29/8, số người nhiễm mới tại nước này vượt mức 300 ca/ngày và là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới tăng trên 200 bệnh nhân/ngày.
Trung Quốc xác nhận thêm 2 ca mắc cộng đồng tại thành phố Thiên Tân, miền Bắc nước này. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thành phố cho biết, cả 2 người nói trên làm việc tại một trung tâm logistics ở khu mới Tân Hải. Đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận trên 83.300 trường hợp mắc COVID-19, trong đó hơn 4.600 người đã thiệt mạng.
Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Thái Lan ngày 18/11 đã quyết định gia hạn sắc lệnh khẩn cấp thêm 45 ngày, từ ngày 1/12/2020 - 15/1/2021, nhằm kiềm chế dịch bệnh. Theo người phát ngôn CCSA Kaweesi Visanuyothin, CCSA cũng quyết định về nguyên tắc giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống 10 ngày.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cảnh báo, tình hình dịch bệnh ở quốc gia Bắc Mỹ này vẫn "nghiêm trọng", đòi hỏi người dân cần nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho tới khi có vaccine phòng bệnh. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng với tốc độ đáng báo động ở nhiều khu vực tại Canada, dù các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đã được áp dụng. Đến hết ngày 18/11, Canada có hơn 309.600 ca nhiễm và trên 11.100 trường hợp tử vong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!