Xét nghiệm máu nhằm phát hiện nhanh trường hợp nhiễm dịch COVID-19 tại Surabaya, Indonesia ngày 11/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Đáng lưu ý là khoảng thời gian để số ca nhiễm tăng thêm 1 triệu người đang ngày càng ngắn lại. Từ chỗ mất 3 tháng, thì nay chỉ sau 1 tuần, thế giới đã tăng thêm 1 triệu ca nhiễm.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19. Tính đến 5h sáng nay, nước này đã có hơn 2,1 triệu ca mắc, hơn 118 nghìn ca tử vong. Đặc biệt, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản đang lo ngại về làn sóng lây nhiễm dịch thứ hai khi mà số ca mắc mới liên tục tăng trong những ngày qua.
Trong khi đó, Mexico được cho là đang trong giai đoạn đỉnh dịch COVID-19 với 146.837 ca mắc bệnh, trong đó có 17.141 ca tử vong cùng 52.636 người nghi ngờ nhiễm bệnh. Bộ Y tế nước này dự báo số ca tử vong có thể lên đến 35.000 người đồng thời nhận định làn sóng dịch thứ nhất sẽ kéo dài tới tháng 10 và dự kiến làn sóng dịch thứ 2 diễn ra vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới. Còn tại Colombia, số ca mắc COVID-19 đã ở mức trên 50.000 người, cụ thể đang là 50.939 người, trong khi số ca tử vong là 1.667 người. Trong khi đó, tại khu vực Trung Mỹ, số ca mắc COVID-19 ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador tiếp tục tăng mạnh khi ghi nhận thêm 1.629 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 44.067 ca, trong đó có 1.198 ca tử vong.
Tại châu Âu, nhiều quốc gia tiếp tục nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới nhưng Tây Ban Nha vẫn đóng cửa biên giới, một loạt biện pháp hạn chế ở nhiều nơi khác và các cách thức hoạt động mới cho thấy còn lâu nữa mới khôi phục được mức độ đi lại như trước khi đại dịch bùng phát. Từ Iceland đến Hy Lạp, nhiều biện pháp hạn chế đối với du khách đến EU và Schengen sẽ được nới lỏng từ ngày 15/6, nhưng các nước vẫn áp đặt một số biện pháp phòng dịch.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Adelaide, Australia.
Chính phủ Anh thông báo ghi nhận thêm 36 ca tử vong, số ca tử vong trong ngày thấp nhất ở Anh kể từ ngày 21/3 vừa qua, 2 ngày trước khi nước này thực hiện các biện pháp hạn chế hoạt động để phòng dịch. Tới nay, Anh ghi nhận tổng cộng 295.889 ca mắc bệnh, trong đó có 41.698 ca tử vong. Ngày 15/6, nước Anh bắt đầu giai đoạn mới nới lỏng các biện pháp hạn chế hoạt động, theo đó cho phép mở lại tất cả các cửa hàng bán lẻ được cho là không thiết yếu như các cửa hàng bán quần áo, đồ điện tử, hiệu sách, cũng như các vườn thú, công viên, rạp chiếu phim. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh được phép mở cửa trở lại phải đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Trong khi Anh đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Klug khuyến cáo nước này vẫn trong giai đoạn đại dịch hoành hành, do đó không nên vội vàng mở cửa trở lại nền kinh tế. Bộ Y tế Pháp kêu gọi người dân vẫn tiếp tục duy trì cảnh giác trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường dù nước này đã vượt qua giai đoạn đỉnh dịch.
Cùng ngày, Iran cảnh báo có thể sẽ tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để đảm bảo giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh sau khi quốc gia này ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận hơn 100 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong ngày 15/6, Bộ Y tế Iran thông báo thêm 113 ca tử vong vì dịch COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên 8.950 người. Bên cạnh đó, thêm 2.449 người mới được xác nhận mắc bệnh, nâng tổng số ca mắc tại Iran lên 189.876 ca.
Nhóm tình nguyện đào huyệt mộ giả trên bãi biển Copacabana, để tưởng nhớ những người đã tử vong vì dịch COVID-19 tại Rio de Janeiro, Brazil.
Tại Ấn Độ, chính quyền thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, thông báo sẽ tái áp đặt biện pháp phong tỏa từ ngày 19/6 tới trong bối cảnh các ca nhiễm mới tăng mạnh trong khu vực. Thông báo mới của chính quyền bang Tamil Nadu nêu rõ biện pháp phong tỏa hoàn toàn sẽ được áp dụng tại thành phố Chenai, với 15 triệu dân, và các huyện lân cận gồm Thiruvallur, Chengalpet và Kanchipuram. Lệnh phong tỏa có hiệu lực từ ngày 19/6 và kéo dài đến hết tháng.
Trong ngày 15/6, Trung Quốc đã phong tỏa thêm 10 khu vực ở thủ đô Bắc Kinh nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19, sau khi phát hiện một ổ dịch mới ở khu vực chợ thực phẩm thứ hai trong thành phố này. Ổ dịch mới được phát hiện chỉ hai ngày sau khi chính quyền thành phố yêu cầu đóng cửa chợ đầu mối Tân Phát Địa, quận Phong Đài (Tây Nam thủ đô), để khử trùng do ghi nhận gần 50 ca nhiễm.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên tiếng cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch ở nước này trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo tăng đột biến trong một vài ngày gần đây. Thủ tướng Abe cảnh báo người dân không nên chủ quan rằng virus sẽ yếu đi trong mùa Hè bởi vì virus nguy hiểm này vẫn lây lan ngay cả ở các quốc gia cực nóng ở Trung Đông. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 2 bằng cách củng cố hệ thống y tế và tăng cường xét nghiệm virus.
Tại Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận thêm 64 ca tử vong, số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước tới này, và 1.017 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 39.294 ca và 2.198 ca. Hiện Indonesia bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch.
Ngày 15/6, Thái Lan không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 nào, đánh dấu ngày thứ 21 không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Tới nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.135 ca mắc bệnh, trong đó có 58 trường hợp tử vong. Đây cũng là ngày đánh dấu Thái Lan bước vào giai đoạn 4 nới lỏng phong tỏa cùng với việc lệnh giới nghiêm ban đêm được dỡ bỏ và nhiều hoạt động trong danh mục nguy cơ cao nhất được nối lại, mặc dù Sắc lệnh Về tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Rabat, Maroc ngày.
Tại Philippines, tổng số ca dương tính với virus tại nước này đã lên tới 26.420 ca sau khi Bộ Y tế thông báo ghi nhận thêm 490 ca nhiễm. Số người tử vong trong ngày là 10 người, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi tại nước này lên tới 1.098 ca. Cùng ngày, Malaysia thông báo có 41 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8.494 ca. Hiện số ca tử vong vẫn duy trì ở con số 121 ca.
Chính phủ Singapore xác nhận bắt đầu từ ngày 19/6 tới, nước này sẽ bước vào giai đoạn hai của quá trình mở cửa nền kinh tế sau hơn 2 tuần thực hiện mở cửa giai đoạn 1 từ ngày 2/6. Trong giai đoạn 2, hầu hết các hoạt động xã hội và kinh doanh sẽ được nối lại như kinh doanh bán lẻ, cửa hàng ăn uống, các cuộc tập trung ngoài xã hội theo nhóm nhỏ từ 5 người trở xuống; các lớp bồi dưỡng kiến thức, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các trung tâm thể dục thể thao sẽ được mở cửa trở lại; học sinh từ tất cả các cấp học sẽ đến trường hàng ngày...
Tuy nhiên, một số hoạt động có số lượng lớn người tham gia như các dịch vụ tôn giáo, các địa điểm văn hóa lớn như thư viện và bảo tàng, các sự kiện quy mô lớn như hội nghị, triển lãm, hội trợ và các địa điểm giải trí như quán bar, rạp chiếu phim và câu lạc bộ đêm… vẫn bị đóng cửa. Người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện giữ khoảng cách an toàn ít nhất 1m và đeo khẩu trang khi ra ngoài và tại nơi làm việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!