Sẽ không còn phụ thuộc vào Boeing và Airbus, ngành công nghiệp hàng không Nga đang thể hiện quyết tâm thay đổi triệt để phi đội máy bay thương mại nước ngoài.
Theo chương trình phát triển toàn diện ngành vận tải hàng không đến năm 2030, các hãng hàng không Nga sẽ nhận được hơn 1.000 máy bay sản xuất trong nước. Các công ty cho thuê máy bay của Nga sẽ được cấp tiền để thay thế máy bay Boeing và Airbus bằng máy bay do Nga chế tạo, trong khi các nhà sản xuất máy bay Nga sẽ được đảm bảo nhu cầu cho thuê, phục vụ các hãng hàng không nội địa.
Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov cho biết, mục tiêu mà Nga hướng tới là đến năm 2030, số lượng máy bay sản xuất trong nước ở các hãng hàng không của Nga sẽ chiếm 81%.
Hiện tại, chỉ có máy bay Sukhoi Superjet được sản xuất hàng loạt bên trong nước Nga dù phần lớn bộ phận như động cơ vẫn phải nhập khẩu. Nga cũng đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt máy bay tầm trung MS-21 dù loại này cũng phải sử dụng nhiều bộ phận nhập khẩu từ nước ngoài. Theo Bộ Giao thông Vận tải Nga, đội máy bay thương mại của các hãng hàng không Nga vào thời điểm tháng 4/2022 có gần 1.300 chiếc, trong đó khoảng 1.100 chiếc chở khách. Tỷ trọng máy bay do nước ngoài sản xuất là hơn 67%.
Nga có kế hoạch và phương án gì để đạt được mục tiêu?
Vấn đề hàng không Nga trở nên nghiêm trọng sau khi phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt sau chiến dịch quân sự tại Ukraine. Liên minh châu Âu cấm cung cấp máy bay dân dụng và phụ tùng cho Nga, đồng thời buộc các công ty cho thuê chấm dứt hợp đồng với các hãng hàng không Nga. Dịch vụ bảo trì máy bay cũng bị cấm.
Tháng 5 vừa qua, Nga lần đầu tiên đã cho ra mắt động cơ máy bay PD-8, đây là động cơ sẽ thay thế động cơ SaM-146 của Pháp trên máy bay Superjet-100 và Be-200. Hiện Nga cũng đang thử nghiệm máy bay MS-21 với động cơ PD-14 được sản xuất trong nước thay vì động cơ của Mỹ.
Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov cho biết, các hệ thống máy bay nước ngoài sẽ được thay thế bằng hệ thống Nga. Công việc này đã bắt đầu ngay cả trước khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt và hiện tốc độ của nó đang tăng lên nhanh chóng.
Theo Chương trình phát triển toàn diện ngành vận tải hàng không, Chính phủ Nga lưu ý một phần riêng biệt để sản xuất động cơ cho toàn bộ dòng máy bay dân dụng. Theo đó, dự kiến đến năm 2030, cùng với hơn 1.000 máy bay sản xuất trong nước, sẽ có gần 5.000 động cơ cho máy bay và trực thăng được cung cấp.
Ở thời điểm này Nga có khoảng 1.300 máy bay dân dụng hoạt động ở các chặng khác nhau (tầm ngắn, tầm trung và tầm xa) và hơn 800 chiếc trong số này thuộc về các công ty Airbus và Boeing. Quyết định tự lực sản xuất và phát triển, đẩy mạnh nội địa hóa ngành hàng không cho thấy Nga đang quyết tâm thực hiện mục tiêu thay đổi triệt để phi đội máy bay thương mại nước ngoài, nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất máy móc phụ tùng từ Mỹ và phương Tây.
Theo Tập đoàn công nghệ quốc gia Nga Rostec, các máy bay Boeing và Airbus sẽ được thay thế bởi những máy bay được sản xuất trong nước, như MS-21, SSJ-New (Sukhoi Superjet) và Tu-214. Tất cả các máy bay sẽ được cung cấp dưới dạng thay thế nhập khẩu - với các hệ thống và tổ hợp do Nga sản xuất.
Nỗ lực nội địa hóa ngành hàng không Nga được đẩy mạnh trước làn sóng trừng phạt từ phương Tây. Việc sản xuất đầy đủ các bộ phận trong nước, đảm bảo những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng lúc này đang là nhiệm vụ của ngành công nghiệp hàng không Nga. Hiện Nga sẽ dành 1.400 tỷ ruble (tương đương 22,7 tỷ USD) từ Quỹ đầu tư quốc gia cho mục tiêu thay thế đội máy bay nước ngoài bằng máy bay nội địa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!