Không chỉ giúp giảm thiểu được lượng rác thải nhựa, nghiên cứu này còn khởi động thị trường nhựa tái chế.
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Joule ra ngày 27/2, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia Mỹ (NREL) đã kết hợp polyethylene terephthalate (PET) tái chế với các phân tử có nguồn gốc từ sinh khối thực vật bỏ đi để sản xuất hai loại nhựa được gia cố theo dạng sợi, bền gấp 2 - 3 lần so với PET ban đầu (PET là nhựa nhiệt dẻo, thuộc loại nhựa polyester và được dùng trong tổng hợp xơ sợi).
PET là vật liệu nhẹ, bền và chịu nước, được sử dụng rộng rãi trong các đồ dùng như chai nước giải khát, quần áo và thảm. Nó có thể tái chế, nhưng dường như có độ bền thấp hơn so với bản gốc và chỉ có thể tái sản xuất 1 hoặc 2 lần.
Theo ông Gregg Beckham, tác giả chính của nghiên cứu trên, tái chế PET tiêu chuẩn ngày nay về cơ bản là giảm giá trị (tái chế xuống cấp). Song với quy trình mới, PET tái chế được nâng cấp thành các vật liệu tổng hợp có giá trị cao, thậm chí có thể được sử dụng để sản xuất trong các linh kiện xe hơi, cánh quạt tuabin gió hoặc ván lướt sóng.
Mặc dù vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, song các nhà khoa học dự đoán sản phẩm tổng hợp này sẽ cần ít hơn 57% năng lượng so với quy trình tái chế hiện tại và thải ít hơn 40% khí gây hiệu ứng nhà kính so với sản xuất nhựa gia cố sợi tiêu chuẩn. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn phải kiểm tra quy trình này trước khi có thể mở rộng sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!