Tình trạng ấm lên rõ rệt do biến đổi khí hậu khiến châu Âu trở thành lục địa đang nóng lên nhanh nhất thế giới. Điều này khiến nhiều quốc gia lục địa này trải qua các hình thái thời tiết cực đoan. Trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao và tình trạng hạn hán, giới chức Hy Lạp đã gấp rút nâng cao kỹ năng cứu hỏa để chuẩn bị ứng phó với một mùa cháy rừng khốc liệt.
Mùa cháy rừng ở Hy Lạp thường bắt đầu vào tháng 5 hàng năm. Nhưng từ trước đây 1 tháng, hàng chục đám cháy nhỏ lẻ đã được dập tắt khi nhiệt độ bắt đầu lên tới 30oC vào cuối tháng 3 - cao hơn đáng kể so với dữ liệu từng ghi nhận.
Ông Ioannis Kolovos - Chỉ huy lực lượng đặc biệt ứng phó với cháy rừng - cho biết: "5 năm trở lại đây, các đợt cháy rừng luôn đến sớm hơn dự kiến và cũng kéo dài hơn. Năm 2024 này, cháy rừng cũng đã xuất hiện từ tháng 3 dù chưa vào hẳn mùa nóng".
Theo ông Vassilis Kikilias - Bộ trưởng Bộ Khủng hoảng Khí hậu và Bảo vệ dân sự Hy Lạp: "Năm nay chúng tôi đối mặt với một mùa cháy rừng rất phức tạp với nhiều yếu tố đi kèm như khủng hoảng biến đổi khí hậu, mùa đông khô bất thường, rồi hạn hán. Năm ngoái, tình hình cháy rừng đã rất nghiêm trọng nên năm nay cần phải chuẩn bị tốt hơn để ứng phó".
Lính cứu hỏa tham gia một cuộc diễn tập cháy rừng ở làng Villia cách Athens, Hy Lạp khoảng 60 km về phía Tây Bắc, ngày 19/4/2024 (Ảnh: AP)
Hy Lạp đã tăng gấp đôi số lượng lính cứu hỏa trong các đơn vị chuyên trách và học hỏi chiến thuật của Mỹ là triển khai lực lượng không quân để thiết kế các khoảng trống làm gián đoạn đường đi của lửa.
Ông Dimitris Priftis - lính cứu hỏa - chia sẻ: "Lực lượng cứu hỏa phải lên kế hoạch với các điểm chiến lược để dập lửa. Đồng thời kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt bởi khi nhiệt độ lên quá cao thì không thể chỉ dùng nước dập lửa nữa. Chúng tôi phải dùng đến các công cụ và kỹ năng được huấn luyện hàng ngày, ứng dụng khoa học để dập lửa bao gồm việc tính toán độ ẩm, hướng gió và phân tích mẫu đất. Đó là những phương pháp có kế hoạch hơn để tiếp cận đám cháy".
Trung tâm huấn luyện cũng đưa vào các thiết bị mới để tăng kỹ năng ứng phó. Ví dụ như chiếc xe kéo Fire Dragon trị giá tới 1,2 triệu Euro, để mô phỏng bên trong một tòa nhà đang cháy. Hay như mô hình mê cung để thực hành làm việc trong không gian hạn chế.
Ông Vrasidas Grafakos - Chỉ huy trung tâm huấn luyện cứu hỏa - mô tả: "Mô hình được gọi là mê cung cứu hỏa này giúp lính cứu hỏa làm quen với môi trường tối, địa hình lạ, để họ biết cách tiếp cận khu vực, kiểm soát tình hình, có thể phải thực hiện các vụ giải cứu nếu cần thiết và thoát khỏi ngọn lửa một cách an toàn".
Với địa hình nhiều núi và những hòn đảo khó tiếp cận, Hy Lạp luôn gặp thách thức lớn trong việc bảo vệ khu dân cư nằm gần các cánh rừng rộng lớn khỏi nguy cơ bị cháy lan.
Năm 2023, nước này đã từng phải vật lộn để khống chế đợt cháy rừng ở khu vực Đông Bắc, được coi là vụ cháy rừng tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong lịch sử của Liên minh châu Âu. Chính phủ nước này cho biết tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu khiến cháy rừng vẫn tiếp tục có nguy cơ diễn biến khốc liệt hơn trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!